Bóng chày từ lâu được coi là môn thể thao thu hút đông đảo người chơi trên khắp thế giới, đặc biệt tại Mỹ và Nhật.
"Bóng chày có hơn 90% là tinh thần, còn lại là thể lực" – huyền thoại bóng chày Mỹ một thời, Yogi Berra, từng nói.
Bóng chày là môn thể thao không mới. Tuy không lan tỏa mạnh mẽ như bóng đá, bản thân môn bóng này vẫn có sức hút riêng, đặc biệt với người dân Nhật Bản và Mỹ.
Lịch sử của bóng chày
Bóng chày là môn thể thao đồng đội. Từng có vài tranh cãi về nguồn gốc bóng chày nhưng tới nay, Mỹ vẫn được công nhận là nơi khai sinh môn thể thao này, với một chiếc găng tay, một quả bóng và một cây gậy hơi nặng tay làm bằng gỗ.
Vào thế kỷ 18, nước Anh ghi nhận trận đấu bóng chày đầu tiên nhưng chưa được phát triển một cách hoàn chỉnh mà ví như một trận đấu bóng sơ khai. Từ năm 1912, bóng chày được đưa vào biểu diễn tại Olympic - Thế vận hội mùa hè - và kéo dài suốt nhiều năm như 1936, 1952, 1956... Tới khoảng thời gian 1992-2008, bóng chày thuộc chương trình thi đấu chính thức.
Văn hóa bóng chày trong đời sống
Bóng chày phổ biến tại các nước như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là Nhật Bản. Tại xứ sở mặt trời mọc, bóng chày du nhập từ năm 1872 bởi một giáo sư người Mỹ. Sau thời Minh trị, bóng chày phổ biến hơn, đi sâu vào mọi ngóc ngách, xuất hiện trong các tập phim anime (một dòng phim hoạt hình Nhật Bản), thậm chí được đưa vào giảng dạy bắt buộc tại các trường học. Các giải đấu chuyên nghiệp được tổ chức thường xuyên và đều đặn, điển hình là giải Pacific League và Central League.
Với người Nhật Bản, bóng chày song hành và gắn bó mật thiết đời sống tinh thần của họ, như món sushi - không thể thiếu. Nếu từng nghe tới sân vận động Tokyo Dome, bạn sẽ choáng ngợp với độ hoành tráng của nó. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều trận bóng chày ngộp thở.
Tại Mỹ, bóng chày không chỉ là trò chơi thể thao đơn thuần mà còn là môn giải trí cấp Quốc gia. Có một tổ chức được thành lập nhằm đại diện môn bóng chày, mang tên Major League Baseball. Hiệp hội này giành sự quan tâm của vô số khán giả và được Quốc hội Mỹ trao biểu tượng độc quyền.
Tại Hàn Quốc, nơi ảnh hưởng sâu sắc hai nền văn hóa Mỹ-Nhật, bóng chày cũng được đưa lên tầm cao mới, trở thành thói quen của vô số người chơi nghiệp dư và có tham vọng vượt xa trên đấu trường thế giới. Người Mỹ giới thiệu người Hàn bộ môn lạ lẫm này năm 1905, gây nên làn sóng hâm mộ kéo dài tới tận ngày nay.
Người Hàn coi đây là môn thể thao vua. Tại các chợ hay shop quần áo cao cấp, dễ dàng mua được những bộ đồ thiết kế theo phong cách bóng chày, in họa tiết bóng chày. Thậm chí, tại mỗi giải đấu bóng, cổ động viên của mỗi đội còn tự tạo những truyền thống cổ vũ riêng. Các anh chàng biết chơi bóng chày cũng ghi điểm tuyệt đối với các cô gái. Câu lạc bộ bóng chày chuyên nghiệp nhất được ghi nhận tại đây là KBO League.
Bóng chày và sức ảnh hưởng ngầm
Chẳng phải tự nhiên mà bóng chày có sức ảnh hưởng lớn đến các nước trên thế giới. Nếu không có bóng chày, ắt hẳn họ vẫn có hàng trăm môn thể thao khác. Nhưng các nước như Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc vẫn chọn đây là môn thể thao vua. Có thể thấy sự tương đồng giữa tính cách đặc trưng của người dân các nước này với đặc điểm tự nhiên của bóng chày.
Bóng chày đề cao liên kết giữa các thành viên, sau đó là khả năng khéo léo, bền bỉ vận dụng những kỹ năng nhỏ để chuyển hóa thành cơ hội lớn. Môn thể thao này giúp gia tăng sức khỏe, độ nhanh nhạy và tầm nhìn xa. Với niên đại hàng trăm năm và hơn thế, bóng chày dần trở thành món ăn tinh thần quen thuộc, ảnh hưởng lên tâm trạng và cảm xúc vô số khán giả.
Báo chí, sách ảnh, những câu lạc bộ trải dài xuyên suốt trường học và cả những trận đấu mang tầm Quốc gia đã nói lên sức ảnh hưởng âm thầm mà mạnh mẽ của bóng chày suốt nhiều năm nay. Từ những giải đấu chuyên nghiệp thu hút hàng loạt nhân tài tới những trận đấu nghiệp dư "vui là chính" của người dân, có thể thấy bóng chày len lỏi vào đời sống văn hóa. Môn "thể thao vua" đã chinh phục sự ái mộ của khán giả và hơn hết giúp họ hình thành được bản sắc văn hóa, nét riêng độc đáo không giống bất cứ ai trên thế giới.
Tại Việt Nam, bóng chày du nhập khá lâu và dấy lên làn sóng quan tâm từ các bạn trẻ. Tuy nhiên, làn sóng này chỉ mang tính chất nhỏ lẻ và chưa ảnh hưởng mạnh mẽ tới đại đa số người chơi thể thao. Các sinh viên, học sinh cũng thường xuyên tổ chức các giải đấu nghiệp dư mang tính chất học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
Thành tích cao nhất đội tuyển Việt Nam - Hà Nội Capitals - làm được là góp mặt trong trận chung kết miền Trung Gameday USA cấp 14 diễn ra tại Chicago (Mỹ) năm 2013.
|