Ngày 7/12/1941, Nhật Bản bất ngờ mở 2 đợt tấn công vào căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng, Hawaii. Dù khiến Mỹ tổn thất lớn nhưng Nhật Bản phạm một sai lầm nghiêm trọng đó là không mở đợt tấn công thứ ba.
Trận Trân Châu Cảng là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong Thế chiến 2. Sự kiện này mở đầu cho việc Mỹ chính thức tham gia cuộc chiến tranh khốc liệt này. Nhật Bản bất ngờ thực hiện cuộc tấn công vào căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng, Hawaii vào lúc 7h55 ngày 7/12/1941.
Nhật Bản thực hiện 2 đợt tấn công. Trong đợt tấn công đầu tiên, các máy bay của Nhật Bản cất cánh từ 6 tàu sân bay nhắm mục tiêu vào các nhà chứa máy bay và những chiếc máy bay đậu trên đường băng, đồng thời thả ngư lôi xuống các tàu chiến đang neo tại cảng.
Đợt tấn công thứ hai của Nhật Bản diễn ra sau đợt thứ nhất khoảng 90 phút. Lần này, Nhật Bản triển khai 170 máy bay oanh tạc Trân Châu Cảng. Kết thúc 2 đợt tấn công, Mỹ tổn thất lớn với gần 20 tàu chiến bị chìm hoặc hư hại, hơn 300 máy bay bị phá hủy và 2.403 quân nhân, dân thường thiệt mạng. Thêm nữa, hơn 1.100 người bị thương.
Dù vậy, phần lớn sở vật chất, kho bãi và cơ sở hạ tầng của hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng không bị phá hủy hoàn toàn. Nếu Nhật Bản thực hiện đợt tấn công thứ 3 thì sẽ phá hủy hoàn toàn Hạm đội Thái Bình Dương. Điều này sẽ khiến hạm đội Mỹ sẽ phải mất hơn 1 năm mới có thể trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, Nhật Bản không mở đột tấn công thứ 3. Điều này trở thành quyết định sai lầm của Nhật Bản. Bởi lẽ, ngay sau đó, Mỹ chính thức tham gia Thế chiến 2. Chỉ 6 tháng sau trận Trân Châu Cảng, Mỹ tấn công hải quân Nhật Bản và thay đổi cục diện cuộc chiến ở mặt trận châu Á - Thái Bình Dương.
Theo các nhà nghiên cứu, Nhật Bản không mở đột tấn công thứ 3 được cho là vì một số lý do dưới đây. Đầu tiên là sau 2 đợt tấn công đầu tiên, hải quân Mỹ đã không còn bất ngờ, ở thế bị động. Thay vào đó, lực lượng Mỹ vừa thực hiện phòng thủ vừa tấn công đáp trả.
Trong đợt tấn công thứ hai, Nhật Bản đã chịu tổn thất lớn hơn so với đợt tấn công đầu tiên. Phía Nhật Bản có 20 máy bay bị bắn rơi và 74 chiếc khác bị hư hại trong đợt tấn công thứ hai. Nếu Nhật Bản mở đợt tấn công thứ 3 thì sẽ có thể sẽ khiến Nhật Bản tổn thất nhiều hơn, bao gồm nhiều tàu sân bay bị Mỹ phá hủy.
Một lý do khác là sau 2 đợt tấn công đầu tiên, hạm đội Nhật Bản còn rất ít nhiên liệu. Nếu liều lĩnh tấn công thêm đợt nữa thì lực lượng Nhật Bản có thể mất thêm nhiều tàu chiến, máy bay hơn 2 đợt tấn công trước đó.
Ngoài ra, Đô đốc Chuichi Nagumo - người chỉ huy cuộc tấn công Trân Châu Cảng của Nhật Bản cho rằng nước này đã đạt được mục tiêu khi khiến Mỹ tổn thất nặng và khó có thể "trở mình" trong một thời gian ngắn.
Lực lượng Nhật Bản không nắm được vị trí các tàu sân bay của Mỹ đang ở đâu và không thể ở lại do lo ngại về vấn đề thiếu nhiên liệu nên Đô đốc Nagumo cho rằng sẽ thiếu thận trọng khi mạo hiểm lực lượng tàu sân bay của nước này trong một trận chiến kéo dài. Vì vậy, ông quyết định không mở đợt tấn công thứ 3 vào Trân Châu Cảng.