Địa chất của đảo núi lửa Trindade ở Brazil thu hút sự chú ý của các nhà khoa học trong nhiều năm. Việc phát hiện các viên "đá lai nhựa" trên hòn đảo xa xôi này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Nhựa tan chảy kết hợp với các hạt trầm tích trên đảo tạo thành "đá lai nhựa". Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là bằng chứng về tác động ngày càng tăng của con người với các chu kỳ địa chất của Trái đất.
"Đây là phát hiện vừa mới vừa là lời cảnh báo đáng ngại vì ô nhiễm đã lan đến địa chất", Fernanda Avelar Santos, một nhà địa chất học tại Đại học liên bang Parana, nói.
Santos và nhóm nghiên cứu của cô đã thực hiện các thử nghiệm hóa học để tìm ra loại nhựa nào có trong "đá lai nhựa".
"Chúng tôi xác định sự ô nhiễm chủ yếu tới từ lưới đánh cá. Các mảnh lưới rách có rất nhiều trên các bãi biển ở đảo Trinidade", Santos nói. "Các mảnh lưới bị kéo theo dòng hải lưu và tích tụ trên bãi biển. Khi nhiệt độ tăng lên ở đảo núi lửa, các mảnh lưới nhựa tan chảy và dính chặt vào đá tự nhiên trên đảo".
Đảo Trindade là một trong những điểm bảo tồn rùa xanh quan trọng nhất thế giới. Có hàng nghìn con rùa xanh tới đảo đẻ trứng mỗi năm. Những người duy nhất trên đảo là thành viên lực lượng hải quân Brazil. Họ duy trì lực lượng tại một căn cứ trên đảo và bảo vệ tổ rùa.