Mua iPhone cũ luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, tuy nhiên bạn có thể hạn chế các vấn đề hư hỏng bằng cách kiểm tra 6 việc sau đây.
1. Hao mòn
Hao mòn, chất lượng giảm sút… là điều rất thường xảy ra đối với các thiết bị điện tử đã qua sử dụng, cụ thể là iPhone cũ. Do đó, bạn hãy yêu cầu người bán chụp ảnh iPhone ở nhiều góc khác nhau, bằng cách này bạn có thể kiểm tra các vết xước, vết lõm... Đảm bảo rằng camera không bị xước hoặc vô bụi và sạc không dây vẫn hoạt động ổn định.
Kiểm tra bề ngoài có trầy xước hay không. Ảnh: TIỂU MINH
2. Hóa đơn mua hàng
Để đảm bảo nguồn gốc của iPhone, bạn hãy yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn hoặc ảnh chụp khi mua hàng, việc này sẽ giúp đảm nguồn gốc và tình trạng bảo hành của sản phẩm.
3. Số IMEI
Để kiểm tra số IMEI của iPhone có khớp với hóa đơn hay không, bạn hãy yêu cầu người bán truy cập Settings (cài đặt) - General (cài đặt chung) - About (giới thiệu) để tìm số IMEI, hoặc mở ứng dụng điện thoại và nhấn *#06#.
Ngoài ra, người dùng cũng có thể sử dụng số IMEI và truy cập vào trang tra cứu của Apple để kiểm tra mạng, quốc gia, bảo hành, phiên bản hệ thống và các thông số kỹ thuật khác của thiết bị di động.
Kiểm tra tình trạng của thiết bị thông qua số IMEI. Ảnh: TIỂU MINH
4. Kiểm tra sản phẩm đã sửa chữa, thay thế linh kiện hay chưa
Bắt đầu từ bản cập nhật iOS 13.1, người dùng iPhone sẽ thấy xuất hiện cảnh báo nếu họ đang sử dụng thiết bị có màn hình không chính hãng. Để chủ động kiểm tra, bạn có thể vào Settings (cài đặt) - General (cài đặt chung) - About (giới thiệu).
Những thông báo này sẽ không ảnh hưởng đến việc sử dụng iPhone, ngoại trừ chất lượng màn hình. Công ty khuyến cáo người dùng nên thay thế màn hình iPhone tại Apple Store, nhà cung cấp dịch vụ ủy quyền của Apple (AASP) hoặc các đơn vị sửa chữa được chứng nhận để hạn chế các sự cố liên quan đến màn hình.
5. Kiểm tra cảm ứng
Nhiều mẫu iPhone cũ thường gặp sự cố với nút Home hoặc Touch ID, vì vậy, nếu dự định mua một chiếc điện thoại có nút bấm vật lý, đừng quên yêu cầu người bán bấm thử toàn bộ các nút, đồng thời để ý đến khả năng phản hồi của thiết bị.
6. Kiểm tra camera và âm thanh
Kiểm tra camera và âm thanh là một trong những việc mà bạn không nên bỏ qua khi mua iPhone cũ.
Để kiểm tra camera, bạn có thể cài đặt ứng dụng Phone Doctor Plus và thực hiện theo các bước hướng dẫn. Bên cạnh đó, ứng dụng này còn hỗ trợ kiểm tra màn hình, loa… thông qua các bài test tương ứng.
Kiểm tra tổng quát iPhone cũ. Ảnh: TIỂU MINH
Loa bị lỗi là dấu hiệu phổ biến nhất cho thấy iPhone đã từng bị vô nước. Để kiểm tra tình trạng của loa, bạn có thể chủ động mở một bài hát với mức âm lượng tối đa, thực hiện cuộc gọi… và nghe xem âm thanh có bị nhiễu hay không.
Cuối cùng là pin, thông thường iPhone cũ thường bị chai pin. Bạn có thể kiểm tra tình trạng viên pin bằng cách vào Settings (cài đặt) - General (cài đặt chung) - Battery (pin) - Battery Health (tình trạng pin). Nếu thông số tại mục này dưới 80% hoặc thông báo cần bảo trì, bạn nên trao đổi với người bán để bớt thêm một ít tiền thay pin mới.
Nếu pin còn dưới 80%, đã đến lúc bạn cần phải thay thế. Ảnh: TIỂU MINH
Mặc dù một số hư hỏng vật lý, chẳng hạn như vỡ màn hình, có thể nhận biết nhanh nhưng những hư hỏng khác không phải lúc nào cũng rõ ràng. Vì vậy, bạn cũng nên dành thời gian để đọc các bài đánh giá của người bán và nhấp xem hồ sơ của người đánh giá để kiểm tra xem chúng có hợp pháp không.
Hy vọng với những thông tin mà Kỷ Nguyên Số vừa cung cấp, bạn đọc sẽ biết những việc cần làm khi mua iPhone cũ để hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.