Suốt gần 6 thập kỷ qua, bà Josephine Michaluk đến từ tỉnh Alberta (Canada) đã hiến tổng cộng 203 đơn vị máu.
Josephine Michaluk đến từ tỉnh Alberta (Canada) 80 tuổi, bắt đầu hiến máu từ năm 1965 khi mới 22 tuổi. Tổng cộng trong suốt gần 6 thập kỷ qua, bà đã hiến tổng cộng 203 đơn vị máu.
Bà đã nhận được "cảm hứng" từ chị gái để bắt đầu hành trình hiến máu cứu người, theo trang web Guinness World Records.
"Nghe chị gái tâm sự, tôi quyết định đi hiến máu cùng chị. Tôi cảm thấy như mình đang cho đi những điều tốt đẹp, chia sẻ cho những ai cần máu", bà nói.
Nhóm máu của bà Josephine là O+. Đây là nhóm máu các bệnh viện cần nhiều nhất vì nó dễ cho đi nhất. Theo Hội Chữ thập đỏ Mỹ, 37% dân số nước này là nhóm O+. Bản thân bà cũng từng sử dụng máu hiến tặng trong 2 lần sảy thai.
Việc làm tốt đẹp nhân văn của bà đã lập kỷ lục thế giới.
Theo Kỷ lục Guinness Thế giới, bà Josephine đã hiến 203 đơn vị máu, cứu sống vô số người khác.
Tuy nhiên, bà chưa bao giờ mong đợi sẽ lập Kỷ lục Guinness Thế giới khi bắt đầu hành trình hiến máu vào năm 1965. Bà nói rằng điều đó thật ngoạn mục, ngoài sức tưởng tượng.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ lập kỷ lục thế giới. Tôi bắt đầu hiến máu không phải vì lý do này. Tôi dự định sẽ tiếp tục hiến máu nhiều hơn nữa", bà Josephine cho biết.
Kỷ lục trước đó thuộc về Madhura Ashok Kumar, người Ấn Độ. Suốt cuộc đời, người này đã hiến 117 đơn vị máu.
Mặc dù đã ở độ tuổi 80 nhưng bà Josephine chia sẻ, khi nào còn sống bà sẽ vẫn duy trì hiến máu đều đặn. Mỗi lần, trước khi cho máu, bà luôn kiểm tra sức khoẻ để đảm bảo bản thân có thể trạng tốt. Bà thường ăn các thực phẩm giàu chất sắt như gan và bông cải xanh vào tuần trước khi đi hiến máu.
Trên thực tế, bà luôn cho rằng bản thân cảm thấy "tràn đầy năng lượng" sau mỗi lần hiến tặng. Dù đã bước vào tuổi 80, nhưng tốc độ hiến máu của bà không bị chậm lại. Trung bình, bà hiến máu 4 lần mỗi năm.
Trước đây, đã có vài năm bà bị gián đoạn vì bác sĩ dặn phụ nữ không hiến máu trong suốt 9 tháng mang thai và cả 1 năm sau đó. Bà Josephine có 4 người con. Bà cũng có khoảng thời gian trải qua một số cuộc phẫu thuật nên không thể đi hiến máu những lúc đó.
Bà hi vọng câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người hiến máu hơn. Bà khuyến khích tất cả những ai có đủ điều kiện đều sẽ làm việc này.