Playa de Las Teresitas ở Tenerife, Tây Ban Nha, là một trong những bãi biển nổi tiếng ở quần đảo Canary. Tuy nhiên, đây không phải danh thắng tự nhiên, mà được con người tạo ra.
Trước đây, Playa de Las Teresitas rất khác bãi biển du khách thấy ngày nay. Thời xưa, đó là bãi biển khá nguy hiểm, nhiều sỏi và có cát núi lửa đen, nước cũng không lặng như bây giờ. Tuy nhiên, đây là bãi biển duy nhất nằm gần Santa Cruz. Số còn lại dần biến mất khi các công ty xây dựng khai thác cát.
Năm 1953, Hội đồng Thành phố Santa Cruz quyết định thi công một bãi biển nhân tạo ở Las Teresitas. Mất 8 năm bản thiết kế mới hoàn thành, và thêm 4 năm để được hội đồng thành phố và chính phủ Tây Ban Nha phê duyệt.
Bước đầu tiên là bảo vệ bãi biển khỏi sóng mạnh. Một đê chắn sóng lớn được xây dựng. Một bậc thang cũng được đào xuống biển để ngăn nước cuốn đi số cát sau này được đổ lên Las Teresitas.
Cát trắng được đưa tới đây từ sa mạc Sahara (châu Phi), khoảng 270.000 tấn, và được sử dụng để tạo ra bãi biển dài 1,3 km, rộng 8 m.
Bãi biển mở cửa năm 1973, và nhanh chóng trở thành điểm đến được người dân địa phương và du khách yêu thích.
Quần đảo Canary thường nhập cát từ Tây Sahara để tái thiết các bãi biển và để dùng cho các công trình quy mô lớn khác. Tuy nhiên, việc này cũng gây hại cho môi trường, cảnh quan và hệ sinh thái mỏng manh của khu vực khai thác.
Hiện tại, cát là nguồn tài nguyên có hạn và đang dần cạn kiệt trên thế giới, chủ yếu do hoạt động xây dựng của con người. Việc lấy cát từ các khu vực nhạy cảm gây rối loạn độ đa dạng sinh học và tạo ra thêm các nguy cơ về môi trường. Chính vì thế, những năm gần đây, nhiều nhà hoạt động và học giả đã lên tiếng đề nghị Liên Hợp Quốc và WTO hành động mạnh mẽ hơn để giới hạn tổn hại đến từ khai thác cát.