Tòa án Trung Quốc đã phán quyết rằng, mô hình kinh doanh "quán cà phê hầu gái" vốn gây tranh cãi này đang xâm hại tới nhân phẩm của phụ nữ.
Các "quán cà phê hầu gái" theo phong cách Nhật Bản đã trở nên phổ biến tại các thành phố lớn của Trung Quốc trong vài năm qua. Tuy nhiên, tương lai của mô hình kinh doanh này hiện đang bị đe dọa, sau khi một tòa án Trung Quốc phán quyết rằng họ hoạt động bất hợp pháp trên nhiều cơ sở.
Quán cà phê hầu gái (Maid Café), địa điểm phục vụ khách hàng nam giới bởi các nhân viên nữ, thường mặc trang phục thiếu vải, lần đầu tiên trở nên phổ biến ở Trung Quốc vào cuối những năm 2010. Mặc dù hiện tại chúng không còn thời thượng như trước, nhưng vẫn có hàng nghìn quán cà phê kiểu này hoạt động trên khắp đất nước.
Vụ kiện ban đầu chống lại các quán cà phê hầu gái được đưa ra bởi một viện kiểm sát địa phương ở thành phố Nghĩa Ô. Chính quyền Nghĩa Ô đã phát động một cuộc điều tra quy mô lớn sau một vụ tấn công tình dục tại một quán cà phê trong khu vực vào năm 2023. Các quan chức địa phương phát hiện ra rằng hàng trăm quán cà phê và địa điểm thể thao điện tử ở Nghĩa Ô đang cung cấp dịch vụ kiểu quán cà phê người hầu, với các nữ nhân viên phục vụ bị buộc phải quỳ xuống để rót trà, mát-xa cho khách hàng nam, và phải hét lên “Chào mừng chủ nhân trở về nhà!” cho bất cứ ai bước vào cửa.
Tòa án Trung Quốc đã phán quyết rằng, mô hình kinh doanh "quán cà phê hầu gái" vốn gây tranh cãi này đang xâm hại tới nhân phẩm của phụ nữ. Ảnh: SCMP.
Viện kiểm sát đã đệ đơn kiện vì lợi ích công lên tòa án địa phương, lập luận rằng các dịch vụ như vậy "coi thường và làm tổn hại đến quyền nhân phẩm của phụ nữ". Họ cũng cho biết một số doanh nghiệp địa phương đã không thực hiện các biện pháp bảo vệ nhân viên nữ khỏi bị quấy rối tình dục.
Tòa án đã đưa ra phán quyết có lợi cho viện kiểm sát vào cuối năm 2023 và các doanh nghiệp địa phương được lệnh ngừng cung cấp dịch vụ phục vụ theo phong cách hầu gái, kẻo phải đối mặt với việc đóng cửa. Trong những tháng sau đó, các nhà chức trách Nghĩa Ô được cho là đã điều tra hơn 800 doanh nghiệp để đảm bảo họ tuân thủ phán quyết.
Hiện tại, vụ việc này dường như sắp trở thành mô hình chuẩn cho các thành phố khác của Trung Quốc noi theo. Đầu tuần này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc đã công bố danh sách 12 vụ việc để các công tố viên trên toàn quốc học hỏi, trong đó có phán quyết về quán cà phê hầu gái ở Nghĩa Ô.
Danh sách do viện kiểm sát công bố cùng với Liên đoàn Phụ nữ Toàn Trung Quốc và Tổng Liên đoàn Lao động Trung Quốc. Trong đó bao gồm một loạt các vấn đề, bao gồm việc xử lý các vụ án quấy rối và tấn công tình dục, tiêu chuẩn khác nhau về nhà vệ sinh nam và nữ, cũng như việc từ chối quyền sử dụng đất đối với phụ nữ ở nông thôn Trung Quốc.
Các quán cà phê hầu gái đã gây tranh cãi ở Trung Quốc kể từ khi ngành này bắt đầu phát triển, những người phản đối cho rằng mô hình này hạ thấp phụ nữ và trong một số trường hợp trở thành ổ mại dâm. Nhưng chúng vẫn có nhiều người hâm mộ; nội dung liên quan đến quán cà phê hầu gái thường xuyên thu hút lượng truy cập lớn trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc và nền tảng video Bilibili.
Chen Qianyi, một nhà hoạt động vì bình đẳng giới từ tỉnh Hải Nam phía nam, cho biết cô đã “chờ đợi các quán cà phê hầu gái phải đối mặt với hạn chế cụ thể này từ năm 2018".
“Các quán cà phê hầu gái luôn là một không gian mang tính biểu tượng, nơi phụ nữ mặc định phải là đối tượng bị bóc lột tình dục. Chìa khóa để giải quyết vấn đề này là giáo dục công chúng biết tôn trọng phụ nữ", cô nói.
Luật bảo vệ quyền phụ nữ sửa đổi của Trung Quốc, có hiệu lực vào năm 2023, đã trao cho các công tố viên quyền hạn mới bằng cách làm rõ rằng việc vi phạm quyền nhân phẩm của phụ nữ cũng là bất hợp pháp. Theo số liệu chính thức, trong năm qua, hơn 46.000 người đã bị truy tố tại Trung Quốc vì vi phạm quyền của phụ nữ đối với cuộc sống, sức khỏe và nhân phẩm, tăng 10,7% so với năm trước.
VietBF@ sưu tập