Canh cua là món ăn rất ngon vào những ngày hè. Canh cua là món ăn quen thuộc, nhất trong mùa hè nóng nực. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách nấu canh cua nhiều gạch ngon nhất. Hãy cùng tham khảo bí quyết dưới đây nhé!
Mùa hè nắng nóng, nghĩ đến món canh cua mồng tơi mát lành lại thấy thèm. Ấy vậy mà làm sao để nấu món canh này cho nước thật trong, gạch nhiều và rau thì vẫn còn xanh thì mới đạt tiêu chuẩn tô canh vừa ngon mắt mà lại vừa ngon miệng nhỉ. Dưới đây là những bí kíp cần phải thuộc lòng nếu muốn bát canh cua nhiều gạch:
Chọn rau nấu canh cua ngon
Dù canh cua có rất nhiều kiểu nấu, nấu chua, nấu riêu, nấu với các loại rau nhưng đa số người vẫn chuộng nhất nấu canh cua đồng với rau đay, mồng tơi và mướp hương nhất. Bởi vì nấu canh cua với 3 loại rau này, nước sẽ vừa thơm vừa ngọt. Chưa kể ai thích ăn rau thì vẫn có thể được ăn rau ngon lành.
Chọn cua
- Cua đồng ngon nhất vào thời điểm đầu tháng và cuối tháng âm lịch, lúc này cua béo, nhiều thịt. Còn nếu ăn vào giữa tháng, là thời điểm cua lột vỏ, sẽ gầy, yếu.
- Chọn cua có màu sắc tươi sáng, sờ vào mình chắc chắn, có đủ tất cả càng.
- Những con cua sủi bọt nhiều, sẵn sàng kẹp lại là những con khỏe, thịt ngon.
- Nếu chọn cua đực thì nhiều thịt, còn chọn cua cái thì nhiều gạch. Nhiều người thường chọn cua cái vì cho rằng cua cái chắc thịt hơn cua đực.
- Chọn con cua to cỡ ngón chân trở lên sẽ nhiều thịt và thơm. Trong khi cua non nhỏ sẽ làm nước bị hoi. Những con cua mà yếm đang có con thì tuyệt đối không nên chọn, sẽ làm nước bị tanh.
Xay thịt cua đúng cách
Dù có bận rộn đến đâu, khi mua cua ngoài chợ về, các mẹ không nên để người bán tự chọn cua mà nên tự chọn, làm cua và xay cua tại nhà. Như vậy nước canh cua vừa sạch lại ngọt hơn.Khi xay thịt cua, bạn nên dùng cối nhỏ giã nhỏ cua và lọc.
Nhớ cho thêm 1 chút muối, bột canh vào thịt cua trong quá trình giã nhé. Và lúc mới đặt lên bếp nấu thì lấy đũa dài khuấy đều. Sau khi nước ấm nóng hơn các mẹ nên đun nhỏ lửa, mở hé vung để tránh canh cua trào ra ngoài là được.
Nhiệt độ
- Bí quyết quan trọng nhất để cua đóng thành tảng là đầu tiên đun nước cua trên lửa lớn, dùng đũa khuấy nhẹ nhàng theo vòng tròn. Mục đích để gạch cua không bị đóng dưới đáy nồi và giúp chúng hòa quyện vào nhau. Đến khi thấy miệng nồi bắt đầu nóng thì hạ lửa nhỏ và dừng việc quấy.
- Đợi cua đóng thành tảng dày thì bạn hớt ra bát để riêng, sau đó cho rau vào. Lúc nào ăn canh thì rưới gạch lên. Hoặc bạn không vớt gạch ra mà cho rau vào một góc nhỏ và khuấy thật nhẹ. Gạch cua vẫn đóng thành tảng, rau xanh trông rất bắt mắt, ngon miệng.