Sử dụng Wifi nơi công cộng hay quán cafe, bạn tuyệt đối lưu ý những điều này. Nếu không, bạn có thể sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân bất cứ lúc nào. Thậm chí, bạn sẽ mất quyền kiểm soát trên các tài khoản mạng xã hội của chính mình.
1. Không sử dụng Internet banking hay thông tin thẻ ngân hàng
Đừng bao giờ sử dụng Internet banking hay nhập thông tin thẻ ngân hàng vào những giao dịch mua bán trên mạng nếu Internet bạn đang dùng là Wi-Fi miễn phí nơi công cộng, bạn có thể sẽ bị mất tiền, thậm chí mất luôn tài khoản ngân hàng đấy. Nếu bắt buộc phải mua một thứ gì đó trên mạng, tốt nhất nên sử dụng lưu lượng di động.
2. Tắt Wi-Fi nếu không dùng Internet
Với việc tắt Wi-Fi, máy tính của bạn sẽ không tự động kết nối vào những địa chỉ lừa đảo, bạn không bị phiền nhiễu bởi các pop-up hay video quảng cáo, và máy đỡ tốn dung lượng pin. Nếu bạn vẫn muốn bảo vệ máy của mình tốt hơn thì nên cài đặt thêm tiện ích DoNotTrackMe để ngăn chặn việc bị theo dõi hay thu thập dữ liệu.
3. Nên sử dụng VPN
Mạng VPN giúp bạn ẩn danh khi online, nếu bị theo dõi IP, người ta chỉ nhìn thấy IP ảo của bạn, không phải IP thật. VPN có thể làm cho kết nối mạng của bạn trở nên chậm chạp, nhưng nó giúp bạn giữ an toàn.
4. Đừng ghi nhớ địa chỉ Wi-Fi
Hầu hết các thiết bị điện tử đều có khả năng ghi nhớ địa chỉ Wi-Fi đã sử dụng ít nhất một lần trước đó. Điều này có thể tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo truy cập vào dữ liệu thông tin của bạn bằng một địa chỉ Wi-Fi được đặt cho cái tên tương tự.
5. Để ý địa chỉ Wi-Fi
Các hacker thường tìm cách hack tài khoản hoặc thông tin cá nhân của người dùng bằng cách sử dụng tên địa chỉ Wi-Fi hơi giống với địa chỉ Wi-Fi bạn thường sử dụng. Hãy để ý rằng các địa chỉ Wi-Fi giả mạo thường tự kết nối hoặc truy cập tự do mà không cần qua bước xác nhận hay nhập password.
6. Cài đặt chương trình diệt virus
Đừng bao giờ chủ quan nghĩ rằng không cài phần mềm diệt virus thì không sao, vì máy bạn có thể bị nhiễm virus bất cứ lúc nào. Không những thế, nên thường xuyên cập nhật phiên bản mới nhất của phần mềm để có sự bảo vệ cao nhất. Các chương trình diệt virus cũng sẽ cảnh báo nếu bạn kết nối vào các hotspot giả mạo.
7. Chỉ chọn những mạng cần qua 2 bước xác thực
Những network an toàn nhất đều yêu cầu bạn trải qua 2 bước xác thực để kết nối, đó có thể là password hoặc một mã code được gửi qua tin nhắn SMS. Những network truy cập quá dễ dàng mà không đòi hỏi ít nhất là password rất có thể chỉ là lừa đảo.
8. Nên mã hóa password
Nhiều người có thói quen lưu lại mật khẩu của nhiều tài khoản trên điện thoại hay máy tính của mình, đề phòng trường hợp họ không nhớ đến. Cách làm này sẽ bất nguy hiểm nếu hacker truy cập được vào dữ liệu của bạn và đánh cắp toàn bộ tài khoản. Nếu bạn vẫn muốn lưu lại mật khẩu thì nên sử dụng các chương trình mã hóa mật khẩu để bảo vệ chúng.
9. Kiểm tra kỹ URL của trang web
Các network lừa đảo thường chuyển hướng bạn đến những trang web thoạt trông có vẻ nổi tiếng và quen thuộc nhưng thực chất đó là nơi dùng để thu thập dữ liệu của bạn. Vì thế bạn cần kiểm tra kỹ URL của những trang web này để xem chúng có ký tự nào bất thường hay không. Bạn cũng cần sử dụng những trình duyệt có uy tín để đảm bảo độ an toàn trong khi lướt web.
10. Sử dụng kết nối an toàn
Những địa chỉ kết nối an toàn thường bắt đầu bằng https:// chứ không phải
http://. Bạn chỉ cần để ý đến chi tiết nhỏ này để đảm bảo an toàn. Còn nếu bạn muốn tất cả các website mình truy cập đều có kết nối an toàn, hãy cài đặt tiện ích HTTPS Everywhere, nó sẽ thông báo khi bạn truy cập vào các kết nối không an toàn.
Tất nhiên, một khi đã có ý đánh cắp thông tin cá nhân của một ai đó thì hacker luôn làm được. Những biện pháp trên đây ít ra cũng giúp đem đến sự bảo vệ và an toàn cần thiết cho thiết bị của bạn, và đều được các chuyên gia khuyến khích nên thực hiện
VietBF © Sưu Tầm