Bạn đời là người sống với ta lâu nhất hơn cả bố mẹ hay con cái nên ta cần trân trọng người đó thì gia đình mới êm ấm, hạnh phúc. Vậy nên hãy dành cho họ những lời nói dễ nghe, tuyệt đối không nói 7 câu gây tổn thương nhất như 'Em biết cái gì mà hỏi, có nói em cũng không biết', 'Anh cũng giống hệt mẹ của anh"...
Người xưa có câu: "Nói lời tốt đẹp, ấm áp ba đông. Nói lời ác độc, muộn phiền sáu hạ", cho thấy những lời lẽ thiếu tích cực rất dễ gây tổn thương lâu dài cho người nghe.
Trong hôn nhân, những lời nói đôi khi tưởng chừng không chủ ý của một trong hai phía, nhưng lại cay nghiệt đến mức chạm vào nỗi đau trong tim của đối phương, dần dà phá vỡ tình yêu, khiến hôn nhân tan nát.
1. "Anh không giúp được, em tự đi mà giải quyết"
Đây là câu nói mà không ít người đàn ông thốt ra khi nóng giận. Câu nói này như một sự cự tuyệt, thể hiện thái độ của người chồng muốn trốn tránh trách nhiệm. Điều này cũng khiến cho người vợ cảm thấy mình trở nên vô hình, bị bỏ qua, không được quan tâm.
Khi vợ tìm đến chồng, họ cần một sự giúp đỡ. Tuy nhiên, câu nói này cho thấy người chồng đặt bản thân ở một vị trí khác, không còn chung sức với người vợ. Điều này hẳn nhiên gây cho vợ sự tổn thương to lớn vì bị chối từ.
2. "Em biết cái gì mà hỏi, có nói em cũng không biết"
Thực tế, dễ dàng gặp tình cảnh này, ví dụ như giữa đông bạn bè, khi cô vợ đặt câu hỏi cho ông chồng về điều gì đó mà cô không biết, người chồng phũ phàng nói: "Biết cái gì mà hỏi". Khi xem tivi, chồng cũng có thể buông ra câu nói ấy khi vợ đặt câu hỏi về các vấn đề "vĩ mô" một chút.
Phản ứng của người chồng không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng vợ trước mọi người, mà còn cho thấy anh không sẵn sàng cho cô tham dự vào đời sống của mình, thậm chí đánh giá thấp giá trị, sự hiểu biết của cô.
Trong hôn nhân, sự tôn trọng rất cần thiết, và thiếu đi điều này, giá trị của mối quan hệ vợ chồng sẽ bị giảm sút. Thay vì nói ra những lời như vậy, người chồng nên tinh tế nói với vợ rằng: "Anh sẽ giải thích cho em sau", để vợ có thể tạm gác sự hiếu kỳ lại, sau đó lựa lúc để chia sẻ những kiến thức mình có.
3. "Nhìn cô X, rồi nhìn em xem"
"Cô ấy lúc nào cũng xinh đẹp, tinh tươm, còn em thì sao?", không ít ông chồng thốt ra điều này nhằm so sánh vợ mình với người phụ nữ khác mà anh ta cho là thuận mắt, đó có thể là đồng nghiệp, hàng xóm...
Tuy nhiên, việc đặt vợ mình và những phụ nữ khác lên bàn cân (hoặc ngược lại vợ so sánh chồng với người khác) là hoàn toàn không công bằng với người đó. Hai người sẽ lâm vào cảnh "đồng sàng dị mộng", không tìm thấy hình mẫu thích hợp ở chính đối tác hôn nhân của mình. Cách tốt nhất là nhìn vào bản thân trước, khi bạn thực sự tốt đẹp, vợ bạn cũng sẽ có thêm động lực để cải thiện mình.
4. "Em cũng giống hệt mẹ/bố của em"
Câu nói này không chỉ gây ra sự tổn thương, mà thực tế còn là một sự xúc phạm đối với người vợ/người chồng. Gia đình với đấng sinh thành là nền tảng tinh thần, có giá trị to lớn với mỗi người, vì thế, việc thóa mạ đến đạo đức gia đình của đối phương sẽ làm người ấy sẽ vô cùng đau đớn và thất vọng.
Cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi những lúc mâu thuẫn, cãi vã, nhưng việc đưa bố/mẹ/gia đình của đối phương vào cuộc tranh luận có thể hủy hoại trầm trọng cảm xúc của cả hai phía.
5. Nói với con: "Đừng có nghe lời mẹ/bố nói"
Khi hai vợ chồng cãi vã do mâu thuẫn về quan điểm sống hay nuôi dạy con cái, nhiều ông chồng hay bà vợ có thể thốt ra những lời như "Chúng mày không được nghe lời mẹ/bố". Đây thực sự là một cách hành xử thiếu văn minh, bởi trong mắt trẻ, bố và mẹ đều là những hình mẫu, là những "quyền lực mềm" đầy uy tín. Việc bố ngang nhiên phủ nhận quyền lực của mẹ, hoặc ngược lại, sẽ khiến hình ảnh của người kia bị giảm giá trị trong mắt đứa trẻ, làm bạn đời tổn thương danh dự và cảm xúc.
Đừng quên rằng sự thống nhất giữa cha mẹ trong việc giáo dục con cái là vô cùng quan trọng, cần đòi hỏi sự hợp tác của hai người. Vì thế, kể cả khi cãi vã, bố hay mẹ cũng tuyệt đối không nên thị uy trước mặt con bằng cách giảm giá trị của phía còn lại.
6. "Không vì con thì tôi sớm đã bỏ cô/anh"
Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng về cơ bản chỉ là câu chuyện của hai người, tuyệt đối không nên đưa trẻ con ra làm lá chắn. Trên thực tế, không ít người lấy con cái ra làm công cụ trả thù bên kia, thậm chí chì chiết rằng: "Không có con thì tôi bỏ cô/anh lâu rồi". Câu nói này làm hỏng giá trị hôn nhân, bởi hai người đến với nhau cốt lõi là vì tình yêu, chứ không phải vì sự tồn tại của đứa trẻ.
7. "Lấy cô/anh là sai lầm của đời tôi"
Khi không hài lòng với đối tác, người chồng (vợ) thường cho rằng mình đã sai lầm trong chọn lựa từ ban đầu. Trên thực tế, câu nói này phủ nhận hoàn toàn những điều tốt đẹp trong mối quan hệ mà hai người đã dày công xây dựng, trong khi chỉ để ý đến những thứ tiêu cực và gây hối tiếc. Thay vì nói câu này, nên suy nghĩ về những giá trị tốt đẹp của đối phương, những điều ý nghĩa mà nửa kia đã mang lại cho cuộc sống của bạn trong thời gian chung sống.
VietBF © sưu tầm