Làm cách này khi luộc, rau vừa xanh mướt, đẹp mắt lại loại bỏ độc tố hiệu quả. Bạn không muốn mất dưỡng chất của rau đúng không? Và bạn cũng không hề muốn ăn rau vướng phải độc tố có hại cho sức khoẻ chứ?
Mở vung nồi khi luộc rau
Xét về khía cạnh dinh dưỡng, trong rau có một lượng lớn axit hữu cơ, trong đó có một số loại có hại với cơ thể. Những axít hữu cơ này sẽ bay hơi trong quá trình chế biến.
Vì vậy khi chế biến nên mở nắp vung để loại bỏ những chất độc hại đối với cơ thể, đồng thời còn có tác dụng giữ được chất diệp lục và lượng magiê trong rau.
Rau luộc xong cần ăn ngay
Bạn nên ăn hết rau ngay sau khi luộc như vậy rau sẽ ngon và đảm bảo chất dinh dưỡng nhất nên bạn nên ăn hết ngay.
Nhiều người thường để rau nguội rồi mới ăn nhưng không biết rằng, nếu để sau 1 giờ mới ăn sẽ làm mất 25% lượng vitamin, sau 2 giờ mất từ 35 - 47%.
Còn nếu bạn chế biến sẵn, sau đó mới hâm lại thì vitamin mất đi tới 90%.
Trong trường hợp không ăn hết thì bạn nên bỏ đi, không nên cho vào tủ lạnh vì đây là cách lưu trữ cực kì nguy hiểm. Khi lưu trữ rau vào tủ lạnh hàm lượng nitrate có sẵn trong rau sẽ biến thành nitrite - một chất gây ung thư cực kỳ có hại cho bạn và gia đình.
Bên cạnh đó, các bà nội trợ cũng nên biết một số lưu ý khác khi sơ chế rau để đảm bảo giữ được nguyên vẹn dưỡng chất mà vẫn loại bỏ được độc tố, vi khuẩn có hại.
Rửa rau trực tiếp dưới vòi nước chảy
Rau tươi chứa nhiều trứng giun, vi khuẩn cũng như thuốc bảo vệ thực vật, đôi khi có cả hóa chất kích thích tăng trưởng. Để loại bỏ những chất độc này, việc rửa rau qua 3-4 lần nước không thực sự đảm bảo hiệu quả.
Cách tốt nhất để loại vi khuẩn và hóa chất đó là rửa rau trực tiếp dưới vòi nước. Cách này rất hiệu quả trong việc rửa sạch lượng hóa chất trừ sâu còn tồn đọng trên lá rau. Đối với những loại rau trồng dưới nước càng nên cẩn thận hơn vì chúng chứa nhiều vi khuẩn, trứng giun, trứng ký sinh mà mắt thường không nhìn thấy.
Không ngâm rau quá lâu trong nước
Nhiều người nghĩ rằng rau xanh bị phun quá nhiều hóa chất độc hại và ngâm rau trong chậu nước từ sáng đến chiều, thậm chí qua đêm là có thể loại bỏ độc tố trong rau.
Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ sai lầm vì theo nguyên lý thẩm thấu, nếu ngâm lâu rau trong nước sẽ khiến nước bên ngoài sẽ xâm nhập vào rau để đạt trạng thái dung dịch cân bằng. Đến khi vách tế bào bị phá vỡ do lượng nước thẩm thấu quá nhiều thì dung dịch trong tế bào chất sẽ hoà tan với môi trường nước bên ngoài. Vì vậy, các chất dinh dưỡng trong rau cũng bị hoà tan với môi trường nước bên ngoài.
Không cắt rau trước khi rửa
Thói quen của đa số người nội trợ hiện nay là cắt rau trước, sau đó mới đem rửa. Tuy nhiên, bạn nên làm theo quy trình ngược lại: rửa trước, cắt sau để đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh.
Bởi nếu cắt rau trước rồi mới rửa sẽ làm tăng diện tích tiếp xúc của rau với nước, làm cho các chất dinh dưỡng trong rau chủ yếu là nước, vitamin và khoáng chất bị tan trong nước, đặc biệt là vitamin C. Các chất dinh dưỡng khác như vitamin nhóm B hoặc khoáng chất và prôtêin tan trong nước cũng bị thất thoát giống như vậy.