Đó là bác sĩ Robert Liston. Ông mổ lấy khối u 20 kg trong 4 phút, cắt cụt chi chỉ 28 giây...Ông nổi danh về tốc độ phẫu thuật vào thế kỷ 19.
Thời ấy thuốc mê chưa được biết đến trong y khoa. Các ca phẫu thuật đều được tiến hành trên bệnh nhân không gây mê nên bác sĩ phải thao tác cực nhanh và chính xác để giảm đau đớn cho bệnh nhân và tăng tỷ lệ sống sót.
Ông nổi tiếng bởi tốc độ phẫu thuật của mình. Các tính toán thời ấy cho thấy bác sĩ có thời gian phẫu thuật lâu hơn Robert thì tỷ lệ bệnh nhân tử vong là 1/4, nghĩa là cứ bốn bệnh nhân được mổ thì có một người chết. Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân tử vong trung bình của bác sĩ Robert Liston là 1/10.
Chân dung Robert Liston (1794 - 1847), bác sĩ phẫu thuật người Scotland. Ảnh: Vintage News
Robert bắt đầu mọi ca phẫu thuật bằng khẩu hiệu quen thuộc: "Hãy tính thời gian cho tôi nào các quý ông!" và những người quan sát đứng trong phòng bắt đầu bấm giờ. Sau khi tuyên bố bắt đầu cuộc phẫu thuật, ông tiến hành cắt chi, ngậm con dao vẫn còn dính máu bằng mồm để tay không bị vướng bận, sau đó đưa cưa vào cắt xương, kết thúc bằng quá trình khâu vết cắt. Tất cả quy trình này chỉ trong vòng hai phút rưỡi.
Vì tốc độ của mình, Robert được biết đến với biệt danh "Con dao nhanh nhất ở West End". Tuy nhiên, cũng chính vì khả năng tốc độ này mà ông từng mắc phải sai lầm nghiêm trọng trong một cuộc phẫu thuật.
Đó là khi Robert phải cắt bỏ một chân của bệnh nhân. Mọi quy trình vẫn diễn ra bình thường cho đến khi người bệnh bắt đầu lăn lộn. Các trợ lý cố gắng hết sức để giữ bệnh nhân. Trong sự hỗn loạn đó, Robert di chuyển nhanh đến mức ông đã vô tình cắt đứt ngón tay trợ lý của mình và rạch vào chiếc áo khoác của người quan sát. Bệnh nhân và người trợ lý qua đời vài ngày sau đó do nhiễm trùng vết thương. Đây là ca phẫu thuật duy nhất trong lịch sử y khoa thế giới có tỷ lệ tử vong 300 phần trăm.
Robert Liston thực hiện cắt cụt chi bệnh nhân trước đám đông khán giả. Ảnh: All Thats Interesting
Robert Liston sinh ngày 28/10/1794, tại Scotland. Ông học ngành y tại Đại học Edinburgh (Anh) và trở thành bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Hoàng gia Edinburgh vào năm 1818. Sau đó, Robert làm giảng viên về giải phẫu học ở Edinburgh. Ông không được lòng các đồng nghiệp tại đây. Trong mắt họ, Robert là một người rất tự phụ và khá cay nghiệt. Robert chuyển tới London và trở nên rất nổi tiếng.
Cuối sự nghiệp, năm 1846, Robert thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên sử dụng thuốc mê. Bệnh nhân là Frederick Churchill. Sau khi gây mê, bác sĩ Robert chỉ cần 25 giây để hoàn thành cắt cụt chi. Thật không may, Robert không còn sống để thấy toàn bộ tác dụng mà thuốc gây mê đem lại. Chỉ một năm sau ca phẫu thuật cho bệnh nhân Churchill, ông qua đời trong một tai nạn thuyền buồm.
VietBF@ sưu tầm.