Khi bị WHO đưa vào danh sách đối mặt nguy cơ Covid-19 bùng phát trở lại, nhà dịch tễ học Thụy Điển chỉ trích việc là "sai lầm".
WHO đã "diễn giải sai hoàn toàn" dữ liệu của Thụy Điển, nhà dịch tễ học trưởng Thụy Điển Anders Tegnell nói tại Stockholm 26/6.
"Chúng tôi ghi nhận ca nhiễm gia tăng vì chúng tôi bắt đầu xét nghiệm nhiều hơn trong tuần qua", ông nói và cho biết thêm "tất cả chỉ số khác" cho thấy số ca nghiêm trọng đang giảm.
"Số ca phải chăm sóc tích cực ở mức rất thấp và thậm chí ca tử vong đang bắt đầu giảm", Tegnell nói. "Tình hình dịch đã giảm nhiệt đến mức những tuần gần đây không ghi nhận nhiều người chết hơn cùng kỳ năm ngoái".
Một phụ nữ ở Stockholm ngày 26/6. Ảnh: AFP.
Chi nhánh châu Âu của WHO hôm 25/6 cho biết Thụy Điển nằm trong số 11 quốc gia chứng kiến "lây nhiễm leo thang" và "nếu không được kiểm soát, dịch sẽ đẩy hệ thống y tế đến bờ vực một lần nữa". 10 quốc gia còn lại hầu hết là các nước nghèo hơn ở Đông Âu và Trung Á, cũng được tính vào khu vực châu Âu của WHO.
Thụy Điển gây chú ý vì cách tiếp cận "miễn dịch cộng đồng" gây tranh cãi với Covid-19. Mặc dù chính quyền kêu gọi người dân giãn cách xã hội và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa khác, họ không áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như nhiều nước láng giềng châu Âu. Thụy Điển cho phép hầu hết quán bar, nhà hàng, trường học và cửa hàng bán lẻ mở cửa.
Thụy Điển ghi nhận hơn 65.000 ca nhiễm và 5.280 người chết, là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao thứ 5 thế giới và cao hơn nhiều so với các nước láng giềng Bắc Âu. Theo Cơ quan Y tế Công cộng của Thụy Điển, khoảng 10 bệnh nhân Covid-19 được đưa vào khu chăm sóc đặc biệt mỗi ngày, so với 45-50 mỗi ngày vào tháng 4.
VietBF@sưu tập