Đồng đạo ở Huế gọi ông là “Ẩn sĩ Ngự Bình sơn” vì ngôi nhà của võ sư Tôn Thất Bình, Trưởng tràng Hồng phái Hầu quyền đạo và Thiếu Lâm Bắc phái Vi Đà ngay dưới chân núi Ngự. Gặp được ông trong một dịp tình cờ, thuyết phục mãi ông mới nói đôi điều về con đường đến với nghiệp võ đã hơn nửa thế kỷ của mình
Hai thập kỷ “tầm sư”
Năm 15 tuổi, nhà nghèo, không có tiền học võ, Bình rủ bạn bè trong xóm xuống võ đường của võ sư Trương Thăng bên bờ sông An Cựu để học lóm. Mấy năm sau, chàng trai Tôn Thất Bình thi đỗ trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn. Vừa theo học văn hóa, Bình còn theo học môn võ Taekwondo và sau đó, ông còn được một võ sư môn phái võ cổ truyền Bình Định nhận làm đệ tử.
Trở về Huế, thấy vốn kiến thức võ thuật của mình còn ít ỏi, chàng trai Tôn Thất Bình đã đến Cồn Hến bái võ sư Nguyễn Giá (hiệu Hồng Sơn) – chưởng môn Thiếu Lâm Bắc phái Vi Đà – làm thầy. Vốn có tố chất, thể lực tốt, lại từng tiếp thu nhiều môn phái võ cổ truyền cũng như hiện đại, ông đã được sư phụ tin tưởng và trao cho chức Trưởng tràng đời thứ 19. Sau khi võ sư Nguyễn Giá rời Huế vào quê vợ Quảng Ngãi sinh sống, võ sư Tôn Thất Bình cùng võ sư Nguyễn Văn Anh gánh vác môn phái, thu nạp đệ tử để phát triển môn phái.
Tuy được sư phụ truyền dạy tận tâm nhưng tôi cũng chưa tự tin lắm về những gì mà mình đang có. Võ học vốn uyên thâm, càng học càng thấy mình còn thiếu nhiều. Khoảng năm 1977, ngay cạnh nhà tôi võ sư Hoàng Thành mở lớp dạy Hồng phái Hầu quyền đạo. Tò mò sang “mục sở thị” và bị cuốn hút ngay với bài quyền mà võ sư Hoàng Thành biểu diễn, tôi đã không ngại ngần “bái sư học đạo”, võ sư Tôn Thất Bình nhớ lại.
Tinh hoa Hầu quyền đạo
Võ sư Tôn Thất Bình kể thêm: “Chuyện võ sư Hoàng Thành sáng lập ra Hồng phái Hầu quyền đạo ở Huế vẫn là một huyền thoại mà chỉ thầy tôi mới biết. Có người nói rằng, một lần thầy tôi đi ngao du lên vùng núi Bình Điền và đã được một cao nhân bí ẩn nào đó truyền dạy các bài quyền mà sau này ông đã phát triển để thành lập môn phái…
Hồng phái Hầu quyền đạo triển khai các bài quyền dựa trên cái tinh, cái thần thái của loài khỉ, đó là linh hoạt, nhẹ nhàng, mềm dẻo, khéo léo… Hầu quyền đạo không dùng lực mà chỉ dùng gân, dây chằng, các khớp tay, chân, dùng sự buông lỏng để triển khai thế võ. Ngoài ra, các môn đệ đều chú ý luyện nhãn thần, luyện sao cho mắt phải rất nhanh và tinh giống như mắt loài khỉ…
Hầu quyền đạo có 4 giai đoạn tập luyện. Bắt đầu là tập cương, tức tập lực, cơ bắp các bộ phận trên cơ thể, gồm 103 thế cơ bản như: thủ pháp, cước pháp, bộ pháp, tấn pháp, nhãn pháp, thân pháp… Giai đoạn tiếp theo là Cương nhu quyền (còn gọi là Hồng quyền) với 7 giai đoạn (Hồng thất quyền) luyện cho các khớp linh hoạt, mềm dẻo, nhất là cột sống và tay chân. Ở đây phải luyện các khớp theo biên độ co và duỗi, xoắn và dồn… Hơi thở phải tự nhiên, nghĩa là dù có đánh dồn dập thì hơi thở vẫn đảm bảo các yếu tố: “sâu, dài, đều, chậm” giúp cơ thể đầy đủ lượng khí ô xy, mang tính dưỡng sinh cao. Giai đoạn tiếp theo là Nhu quyền: triển khai các thế võ theo tinh thần của loài khỉ vốn là một loài vật khôn ngoan, nhanh nhẹn, bao gồm các động tác: đu, vít, nhảy, nhào lộn…”.
Bây giờ đã vào tuổi thất thập, nhưng võ sư Tôn Thất Bình vẫn đi những bài quyền của Hầu quyền đạo nhanh nhẹn và chính xác đến từng chi tiết. Ông nói: “Tôi hàng ngày vẫn dậy từ 4 giờ sáng để luyện võ sau sân nhà. Cùng luyện với tôi có mấy đệ tử tâm đắc, trong đó có một vị PGS, TS Y khoa. Hầu quyền đạo không chỉ để tự vệ mà còn là môn võ dưỡng sinh…”.
Dạy võ ở chùa
Buổi sớm võ sư Tôn Thất Bình cùng luyện võ với các môn đệ ở chân núi Ngự Bình, còn buổi chiều ông chạy xe máy lên chùa Huyền Không dạy võ cho các vị sư và học sinh. Đó là những lớp dạy võ miễn phí được mở hơn 15 năm qua. Võ sư Tôn Thất Bình quan niệm: “Dạy võ là để khai tâm, là dạy cách làm người tốt, có trách nhiệm. Tôi cũng là thầy giáo nên tôi thấu hiểu điều này. Đó là thông qua các kiến thức võ học để các em, các cháu có đủ dung lực, nghị lực xa lánh những trò không lành mạnh, vô bổ và trở thành những người có ích cho gia đình và cộng đồng…”.
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp võ, võ sư Tôn Thất Bình vẫn tâm đắc với hai chữ “ Tình võ”; đó là tình sư phụ, đệ tử; tình huynh đệ và cả tình yêu với võ thuật. Ông nói: “Con nhà võ thương yêu nhau khắng khít còn hơn ruột thịt. Chính tình cảm nhân văn này mà những người học võ chân chính không bao giờ làm điều bất nhân, bất nghĩa…”.
CLB võ thuật cổ truyền Huyền Không do võ sư Tôn Thất Bình xây dựng đã phát triển mạnh, hiện nay có đến 30 học viên theo học. Năm 2015, Hội võ thuật cổ truyền tỉnh đã có văn bản công nhận CLB là thành viên của Hội.