Câu chuyện voi và lừa trở thành biểu tượng cho đảng Cộng hòa và Dân chủ bắt đầu từ 192 năm trước, trong chiến dịch tranh cử của Andrew Jackson.
Cố tổng thống Mỹ Andrew Jackson là một đảng viên Dân chủ theo chủ nghĩa dân túy đầy xông xáo, với khẩu hiệu tranh cử năm 1828 là "Hãy để người dân nắm quyền". Jackson cam kết gạt bỏ giới tinh hoa mà ông cho rằng đang hủy hoại nền dân chủ Mỹ.
Khi đó, các đối thủ đảng Cộng hòa gọi Jackson bằng biệt danh "jackass", từ vừa có nghĩa là kẻ khờ, vừa có nghĩa là con lừa. Tuy nhiên, Jackson lại tỏ ra khá yêu thích biệt danh này và quyết định đưa hình ảnh con lừa vào áp phích tranh cử, nhằm thúc đẩy tiếng tăm về lòng quyết tâm. Ông đã đánh bại tổng thống đương nhiệm John Quincy Adams và trở thành tổng thống Dân chủ đầu tiên của nước Mỹ.
Vài năm sau đó, hình ảnh con lừa vẫn được sử dụng để chỉ Jackson, như trong bức tranh biếm họa "Hãy để mọi người tự lo" năm 1833 của tác giả Anthony Imbert. Tác phẩm này mỉa mai những nỗ lực của Jackson nhằm trao cho Ngân hàng Mỹ quyền tái phân bổ ngân sách tới các ngân hàng chi nhánh ở nhiều bang.
Tranh biếm họa "Hãy để mọi người tự lo" năm 1833. Ảnh: Anthony Imbert.
Trong bức tranh, Jackson bị mô tả là con lừa gây hỗn loạn với việc lao vào đàn gà con, đại diện cho hệ thống tài chính Mỹ. Jackson vốn luôn kiên quyết đối đầu với Ngân hàng Mỹ, tổ chức sau này trở thành Bộ Tài chính, bởi ông cho rằng đây là một cơ quan tham nhũng, cáo buộc họ cản trở đầu tư vào kế hoạch mở rộng về phía tây của Mỹ.
Người đã khiến biểu tượng con lừa của đảng Dân chủ, và cả con voi đại diện cho đảng Cộng hòa, trở nên phổ biến là họa sĩ gốc Đức Thomas Nast, một đảng viên Cộng hòa. Hình ảnh con voi xuất hiện lần đầu tiên trong bức tranh biếm họa năm 1874 có tên "Cơn hoảng loạn nhiệm kỳ ba", được đăng trên tạp chí Harper’s Weekly.
Bức tranh vẽ một con lừa đội lốt sư tử, đang hù dọa muông thú xung quanh, trong khi con voi to lớn đại diện cho lá phiếu của đảng Cộng hòa đứng bên miệng một hố sâu.
Nast vẽ bức tranh này để châm biếm bài xã luận trên tạp chí New York Herald cáo buộc Ulysses Grant, tổng thống thuộc đảng Cộng hòa khi đó, đang cố "giữ ghế" một cách bất hợp pháp bằng việc chuẩn bị vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ ba.
Tuy nhiên, điều gây khó hiểu là con lừa mặc đồ sư tử trong bức tranh đại diện cho tờ New York Herald, còn đại diện của phe Dân chủ là con cáo đang thu mình bên miệng hố. Mặc dù vậy, trong những bức tranh biếm họa khác, Nast đã mô tả đảng Dân chủ là con lừa, gợi lại biểu tượng phần lớn bị lãng quên sau khi Jackson rời nhiệm sở.
Góc nhìn riêng của Nast về chính trị được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mỗi đảng gắn liền với hình ảnh con vật nào. Trong bài viết trên tạp chí Smithsonian hồi năm 2017, nhà báo văn hóa Kat Eschner chỉ ra rằng Nast là một đảng viên Cộng hòa trung thành.
"Đây có lẽ là lý do đảng Dân chủ bị gắn với hình ảnh con lừa, biểu tượng phổ biến mà họ chưa bao giờ chính thức chấp nhận. Trong khi đó, đại diện của phe Cộng hòa là con voi lớn và khá cao quý, được đảng này chính thức công nhận là một biểu tượng", bài viết có đoạn.
Vào thời kỳ của Nast, các họa sĩ tranh biếm họa nắm quyền lực lớn, với vai trò chắt lọc những chi tiết mâu thuẫn chính trị phức tạp thành bức tranh cho hàng triệu độc giả. Mặc dù những chi tiết này phần lớn có thể bị lãng quên, biểu tượng voi và lừa của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn tồn tại đến ngày nay.