Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân USS Georgia đi qua eo biển Hormuz ngoài khơi Iran, trong bối cảnh có nhiều lo ngại Tehran trả thù vụ hạ sát tướng Soleimani.
Hải quân Mỹ ra thông cáo cho biết tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình USS Georgia cùng tàu tuần dương USS Port Royal và USS Philippine Sea đi qua eo biển Hormuz để tiến vào vịnh Ba Tư hôm 21/12. "Sự hiện diện của Georgia tại khu vực tác chiến của Hạm đội 5 cho thấy khả năng hoạt động của hải quân Mỹ tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", thông cáo có đoạn viết.
Lầu Năm Góc cho biết USS Georgia là khí tài có khả năng cơ động cao, đủ sức hỗ trợ những chiến dịch bình thường và khẩn cấp, cho thấy cam kết của Washington với các đối tác khu vực và an ninh hàng hải, sẵn sàng phòng thủ trước các mối đe dọa vào mọi thời điểm.
USS Georgia di chuyển trên eo biển Hormuz hôm 21/12. Ảnh: US Navy.
Động thái diễn ra trong bối cảnh giới lãnh đạo quân đội Mỹ lo ngại nguy cơ Iran tấn công vào dịp kỷ niệm tròn một năm ngày Washington sử dụng máy bay không người lái để hạ sát tướng Qassem Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
USS Georgia là tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio, mẫu tàu ngầm lớn nhất trong lịch sử hải quân Mỹ với lượng giãn nước 18.750 tấn khi lặn và chiều dài 175 m. Tổng cộng có 18 tàu được đóng trong giai đoạn 1976-1997, mỗi chiếc mang được 24 tên lửa đạn đạo Trident và có giá trị tương đương gần 3 tỷ USD hiện nay.
Đây là một trong 4 chiếc lớp Ohio được hoán cải, dỡ bỏ tên lửa đạn đạo và trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk. Nó mang được 154 quả Tomahawk trong 22 ống phóng, nhiều hơn cả một biên đội tàu mặt nước. Toàn bộ số tên lửa này có thể phóng theo loạt từ dưới nước trong vòng 6 phút.
Các tàu trang bị tên lửa Tomahawk có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, với khả năng triển khai hơn 60 lính đặc nhiệm hải quân qua khoang đặc biệt trên thân. Chúng cũng được dùng để phóng tàu lặn không người lái (UUV), tàu ngầm chở đặc nhiệm, phao định vị thủy âm và các cảm biến dưới nước khác.
Tướng Soleimani bị hạ sát bằng tên lửa rạng sáng 3/1 bên ngoài sân bay thủ đô Baghdad, Iraq. Vụ tấn công khiến căng thẳng gia tăng đáng kể giữa Tehran và Washington, dù chưa đến mức đẩy hai nước vào chiến tranh.
Vị trí eo biển Hormuz và vịnh Ba Tư. Đồ họa: Fox News.
Căng thẳng gần đây tiếp tục leo thang tại Trung Đông sau khi nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát. Các quan chức Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ sát hại với sự cho phép từ Mỹ, làm tăng lo ngại Tehran hoặc lực lượng ủy nhiệm có thể trả đũa các mục tiêu phương Tây trong khu vực.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) quân đội Mỹ Kenneth McKenzie hôm 20/12 khẳng định họ sẵn sàng "phản ứng nếu cần thiết" để tự vệ cũng như bảo vệ đồng minh và đối tác tại khu vực Trung Đông trước bất cứ nguy cơ tấn công nào từ Iran.
Quân đội Mỹ đã tăng cường lực lượng tại khu vực khi điều tàu sân bay USS Nimitz tuần tra Vùng Vịnh, trong khi hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 hồi giữa tháng 12 bay từ Mỹ đến Trung Đông và trở về.
VietBF sưu tầm