Theo Đại sứ Chen Hai ghi nhận đảng NLD do bà Aung Sann Suu Kyi dẫn dắt có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và đã đóng góp cho nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác thực tế giữa hai nước, vì vậy Bắc Kinh hoàn toàn không biết trước thông tin về vụ chính biến xảy ra ở Myanmar hôm 1/2.
Trả lời các hãng truyền thông lớn của Myanmar ngày 15/2, Đại sứ Trung Quốc Chen Hai nói Bắc Kinh quan tâm cao độ đối với các diễn biến xảy ra mới đây ở Myanmar. Ông Chen cho biết Trung Quốc "chú ý đến những tranh cãi xuất hiện xoay quanh vấn đề bầu cử", nhưng ông khẳng định "đối với những biến đổi xảy ra trong cục diện chính trị Myanmar lần này, chúng tôi hoàn toàn không biết trước".
Ông Chen cho hay cả đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung Sann Suu Kyi lẫn quân đội Myanmar đều có quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, và Bắc Kinh không mong muốn chứng kiến tình thế hiện nay. Ông kêu gọi các bên ở Myanmar giải quyết bất đồng một cách ổn thỏa trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.
Đại sứ Chen Hai ghi nhận đảng NLD do bà Aung Sann Suu Kyi dẫn dắt có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và đã đóng góp cho nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác thực tế giữa hai nước.
"Chúng tôi quan tâm đến tình hình của bà Aung San Suu Kyi cùng các nhân vật khác," ông Chen nói, nhấn mạnh Trung Quốc đã phát huy vai trò mang tính xây dựng - bên cạnh ASEAN và Liên hợp quốc, cụ thể là thúc đẩy đối thoại hòa giải.
Ông Chen Hai bác bỏ một loạt tin đồn xuất hiện thời gian qua, bao gồm thông tin máy bay Trung Quốc đưa các "nhân viên kỹ thuật" tới Myanmar, Trung Quốc hỗ trợ Myanmar lập tường lửa, hay binh sĩ Quân Giải phóng nhân dân (PLA) xuất hiện trên đường phố Myanmar,... Ông tuyên bố những thông tin này là "hoàn toàn vô căn cứ".
"Những máy bay này là các chuyến bay vận tải hàng hóa thông thường giữa Trung Quốc và Myanmar, vận chuyển các mặt hàng xuất khẩu từ Myanmar sang Trung Quốc như là hải sản,..." ông nói.
"Chúng tôi mong rằng những tin đồn thất thiệt sẽ không xuất hiện thêm nữa. Nếu những loại tin tức như thế vẫn còn đất sống ở Myanmar thì chỉ có thể là do đằng sau có thế lực thao túng và kích động với mục đích khác."
Trước đó, đài VOA (Mỹ) dẫn lời chuyên gia an ninh mạng (ẩn danh) ở Yangon cho rằng Trung Quốc đang cung cấp cho quân đội Myanmar những viện trợ cần thiết về kỹ thuật để thiết lập tường lửa trên mạng Internet.

Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Chen Hai chụp ảnh cùng bà Aung San Suu Kyi, tháng 7/2019 (Ảnh: mm.china-embassy.org)
Đại sứ Trung Quốc xác nhận tình trạng bộ phận đám đông biểu tình ở Myanmar tập trung trước khu vực của Đại sứ quán nước này, cũng như sứ quán các nước và các tổ chức quốc tế khác, để tổ chức tuần hành. Ông Chen cảnh báo tình hình trong nước của Myanmar "vô cùng nghiêm trọng, cục diện đối lập có thể leo thang thêm một bước".
"Trong tình hình hiện nay, đặc biệt không thể sử dụng bạo lực mà cần phải bảo vệ quyền lợi cơ bản của người dân," ông Chen nói.
Quân đội Myanmar ngày 16/2 phủ nhận việc "bãi nhiệm" chính quyền dân sự là một vụ chính biến, mà tuyên bố hành động ngày 1/2 là hợp lý bởi đã có gian lận trong cuộc bầu cử của nước này vào tháng 11/2020. Quân đội cam kết sẽ chuyển giao quyền lực cho chính quyền đắc cử sau khi cuộc bầu cử mới được tổ chức.
Trong khi đó, đại diện Liên hợp quốc cho biết, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Christine Schraner Burgener cảnh báo trong cuộc điện đàm với lãnh đạo quân đội Myanmar rằng nếu lực lượng này sử dụng bất kỳ biện pháp cứng rắn nào nhằm vào người biểu tình thì họ sẽ đối mặt với "hậu quả nghiêm trọng".
Vào sáng 1/2, Phủ tổng thống Myanmar đã chuyển giao quyền lực cho Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, sau khi quân đội bắt giữ hàng loạt lãnh đạo đảng NLD - bao gồm bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.