Người con trai của họa sĩ Bé Ký đã thông báo rằng, nhười mẹ qua đời trong giấc ngủ với tay nắm tay chồng là họa sĩ Hồ Thành Đức vào chiều thứ Tư, ngày 12 tháng Năm tại Quận Cam, nơi bà đã sống với chồng và con trai trong hơn ba thập niên qua, hưởng thọ 83 tuổi. Bởi họa sĩ Bé Ký, một con người khiêm tốn, đơn giản như tranh vẽ được nhiều người yêu thích của bà, đã rời trần thế trong một giấc ngủ bình yên .
Họa sĩ Bé Ký (1938-2021)
Con của bà, anh Hồ Thành Cung, đã nói với Nhật Báo Người Việt rằng họa sĩ Bé Ký đã qua đời trong giấc ngủ với tay nắm tay chồng là họa sĩ Hồ Thành Đức vào chiều thứ Tư, ngày 12 tháng Năm, tại nhà ở thành phố Westminster.
Theo trang Wikipedia, họa sĩ Bé Ký tên thật là Nguyễn Thị Bé, sinh năm 1938 tại Hải Dương. Bà mồ côi cha mẹ từ năm lên tám. Ban đầu bà đã tự học vẽ, sau được chỉ dẫn thêm bởi các họa sĩ đã thành danh.
Bà di cư vào Nam năm 1954, gây chú ý sau buổi triển lãm đầu tiên năm 1957 ở Hội Pháp Văn Đồng Minh (Alliance Francaise) do René de Berval bảo trợ. Sau đó tranh bà được trưng bày ở Hội Việt Mỹ và Trung Tâm Pháp. Cho đến năm 1975 bà đã đi triển lãm ở Paris và Đông Kinh.
Sau năm 1975, sinh hoạt của bà bị hạn chế dưới chế độ cộng sản. Bà vượt biên không thành, gia đình bà càng gặp nhiều khó khăn.
Năm 1989, bà cùng chồng là họa sĩ Hồ Thành Đức được sang Mỹ. Từ đó đến nay tranh Bé Ký đã được trưng bày ở nhiều phòng tranh và viện bảo tàng mỹ thuật tại Mỹ kể cả Viện Smithsonian. Tranh Bé Ký thuộc trường phái sketchings tức phác họa bằng bút lông trên giấy và lụa. Thời kỳ sau năm 1989 tranh Bé Ký thu nạp thêm dạng sơn mài.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, người vẽ cùng thời với họa sĩ Bé Ký và đang sống trong vùng Boston, miền Đông Hoa Kỳ, đã viết mấy dòng chia tay trên trang Facebook cá nhân:
“Kỷ niệm với chị Bé Ký. Tôi là hàng xóm của chị nên hầu hết các bữa tiệc nhà chị tôi đều có mặt.
Chị bị khiếm thính nên phải đeo máy trợ thính. Chị nghe tôi hát rất thích vì giọng tôi to vừa tai chị.
“- Chỉ mỗi anh Khôi hát vừa tai tôi nhất - Chị hay nói vậy.
“Cuộc đời chị Bé Ký chân chất, trôi đi như không gian tiền chiến.
“Vĩnh biệt chị ra đi thanh thản với nụ cười chất phác, đôn hậu.”
Tranh của Bé Ký lấy tuổi thơ làm quê hương.
Nhà phê bình Thụy Khuê từng mô tả tài năng của Bé Ký như sau:
“Các họa sĩ thường bắt đầu từ dessin rồi dựa vào dessin mới phóng ra các màu sắc khác nhau. Bé Ký dừng lại ở dessin. Dường như bà đã tìm thấy vùng đất Thánh và dứt khoát ở lại thiên đường nguồn cội của mình. Bà không lớn nữa. Có thể nói Bé Ký -như cái tên lựa chọn có ý tiên định của bà- đã lấy tuổi thơ làm quê hương, dừng lại ở thời điểm hàn vi, ngây thơ trong hội họa và trong đời. Bé Ký là hiện tượng không già, rất độc đáo trong hội họa Việt.
“Nếu biết rõ dessin là gì, thì sẽ thấy sự lựa chọn này không dễ dàng, bởi con đường đơn giản bao giờ cũng là con đường khó khăn. Văn mà đạt tới mức không rườm là khó. Vẽ mà đạt tới mức giản dị tối đa không dễ.
“Hội họa Bé Ký chỉ thuần túy nét, bà dùng mực Tàu, ở lối vẽ này cứ hoa tay lên là phải thành, phải đạt, không thể sửa. Trước khi vẽ, người họa sĩ phải xong bức họa rồi. Khi ngọn bút bắt đầu là bức tranh kết thúc. Đây là một quy luật khác thường, vì trong hội họa, trước khi vẽ, có thể họa sĩ chưa biết mình sẽ đi đâu, đường nét và màu sắc sẽ dẫn lối cho họ; cũng như trong văn, ý nọ sọ ý kia, ý trước "đẻ" ra ý sau. Với Bé Ký, sự thể ngược lại: Trước khi vẽ, bức tranh đã phải “xong” rồi, và đặt bút là kết thúc tác phẩm.”