Đặc biệt, cả 4 người gồm soạn giả Bạch Mai, nghệ sĩ Kim Phượng, nhạc sĩ Thanh Châu và nhạc sĩ Thanh Linh đều là người thân của Bình Tinh, bởi nữ nghệ sĩ Bình Tinh là con nhà nòi, tài năng được cả giới cải lương công nhận nhưng đời chị lận đận, người chị yêu thương cứ lần lượt ra đi.
Nghệ sĩ Bình Tinh cùng Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long vừa hoàn thành lễ cầu siêu cho các nghệ sĩ của đoàn tại chùa Giác Hoằng (Quận 11, TP.HCM). Đặc biệt, cả 4 người gồm soạn giả Bạch Mai, nghệ sĩ Kim Phượng, nhạc sĩ Thanh Châu và nhạc sĩ Thanh Linh đều là người thân của Bình Tinh. Hai tháng mất 4 người thân và 1 nhạc sĩ gạo cội của đoàn là cú sốc lớn đối với Bình Tinh.
Bình Tinh trong lễ Chung thất 49 ngày của 4 người thân.
Đời lận đận của nghệ sĩ tài năng
Ngày 25/7, nghệ sĩ Kim Phượng - người dì Bình Tinh luôn xem như mẹ thứ 2 của mình qua đời do Covid-19. Ngày 8/8, cậu thứ 10 nhạc sĩ Thanh Châu qua đời do suy hô hấp. Ngày 25/8, mẹ Bình Tinh, soạn giả cải lương tuồng cổ gạo cội Bạch Mai trút hơi thở cuối cùng. Ngày 15/9, nghệ sĩ Thanh Linh - cậu út của chị, qua đời do bệnh tim.
Vỏn vẹn 2 tháng, đoàn Huỳnh Long mất 5 nghệ sĩ gạo cội, riêng Bình Tinh tiễn biệt 4 người thân yêu. Nỗi đau ấy với cô không thể diễn đạt bằng lời. Nữ nghệ sĩ "không còn nước mắt để khóc". Thậm chí, nghệ sĩ Thanh Linh mất hôm 15/9 nhưng đến hôm 8/10, gia đình chị mới dám báo tin vì quá nhiều tang sự.
Nghệ sĩ Bình Tinh sinh năm 1987. Cuộc đời và sự nghiệp của chị không mấy suôn sẻ. Chị lọt lòng mẹ đã khó nuôi nên vừa lên 1 tuổi, soạn giả Bạch Mai gửi con vào chùa cho các sư thầy, đến năm 6 tuổi mới được về nhà và gia nhập đoàn Đồng Ấu Bạch Long.
Sự nghiệp của Bình Tinh bắt đầu từ năm lên 4, chuyên trị vai quần chúng ngã chết, kêu la. Hơn 10 tuổi, chị rời đoàn trở lại trường hoàn thành việc học văn hóa. Tuy nhiên, đến đầu học kỳ 1 lớp 12, chị mê hát nên nghỉ học theo nghề.
Sinh ra là con nhà nòi với ba là nghệ sĩ Đức Lợi, mẹ là nghệ sĩ/soạn giả Bạch Mai nhưng Bình Tinh lại không được học nghề từ ba mẹ. Ba mẹ chị dạy nghề nhiều tên tuổi lớn như Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Thanh Thanh Tâm,... nhưng với con gái thì không.
Cố nghệ sĩ Đức Lợi và Chinh Nhân an nghỉ tại Chùa nghệ sĩ (Gò Vấp, TP.HCM).
Biến cố đầu tiên trong đời Bình Tinh là năm 2005, nghệ sĩ Đức Lợi bị xe tông. Ông nhập viện cấp cứu, chị đã ở bên ba suốt 24 ngày rồi ông vẫn trút hơi thở cuối cùng. "Còn cha gót đỏ như son...", chị thường ngâm nga câu này mỗi khi nghĩ tới chuyện ba mất năm 20 tuổi - cái tuổi chị chưa biết gì về cuộc đời. Sự cố ám ảnh chị đến tận hôm nay, mỗi khi thấy ai hát rong quán xá, chị lại nhớ tới ba mình mất trong lần đi hát ở quán ăn.
10 năm sau khi nỗi đau mất ba tạm nguôi ngoai, anh trai Bình Tinh - cố nghệ sĩ Chinh Nhân, qua đời năm 2016 do viêm phổi cấp. "Hai người đàn ông duy nhất trong đời biến mất, tôi trở thành đàn ông từ đó, thay mặt ba và anh gánh hết trách nhiệm”, chị nói.
Sẽ gánh vác thương hiệu Huỳnh Long
Trong nghề, mọi người đều biết Bình Tinh là người coi trọng tình cảm, đặt gia đình lên trên tất cả và đặc biệt hiếu thuận với mẹ ruột. Trong cuộc trò chuyện với VietNamNet trước đây, chị từng chia sẻ điều mình muốn làm nhất là thay cha và anh gánh vác gia đình, báo hiếu mẹ và dẫn dắt đoàn Huỳnh Long. Chị nhấn mạnh: "Mình có thể đói nhưng gia đình thì không bao giờ".
Bình Tinh không cao ráo, xinh đẹp nhưng tài năng và tình yêu nghề không ai phủ nhận.
Bên cạnh nỗi đau mất người thân, sự ra đi của 5 nghệ sĩ là tổn thất lớn với đoàn Huỳnh Long nói riêng và mảng cải lương tuồng cổ nói chung. Trước hết, soạn giả Bạch Mai là cây đại thụ chống đỡ đoàn. Đoàn phó - nghệ sĩ Thái Vinh - từng tiết lộ với VietNamNet, mỗi vở dựng chỉn chu trung bình 100 triệu đồng. Đoàn Huỳnh Long nhờ gia tài tác phẩm "hát cả đời không hết" của soạn giả Bạch Mai đã giảm rất nhiều áp lực chi phí. Mặt khác, tuồng cải lương Hồ Quảng hiện nay hầu hết thuộc về đoàn Huỳnh Long (soạn giả Bạch Mai) và đoàn Minh Tơ (NSND Thanh Tòng), ai muốn hát phải trả phí tác quyền.
Nghệ sĩ Kim Phượng ngoài biểu diễn còn phụ trách thiết kế trang phục. Bà và em gái - nghệ sĩ Bạch Nga, cung cấp trang phục cho đoàn Huỳnh Long và cả nhiều sân khấu, đoàn phim miền Nam. Nhạc sĩ Thanh Châu vừa phối nhạc cho các vở tuồng vừa phụ trách thiết kế mão cho đoàn. Nghệ sĩ Thanh Linh cùng những nghệ sĩ lớn tuổi trong đoàn là dàn bao tuyệt vời nâng đỡ đào, kép chánh trên sân khấu. Còn nhạc sĩ Thanh Dũng được nhận định là "gần như thống lĩnh âm nhạc tuồng cổ" của đoàn Huỳnh Long và một số sân khấu. Mỗi người đều là trụ cột chống đỡ mái nhà chung Huỳnh Long.
Sự ra đi của 5 nghệ sĩ chắc chắn để lại khoảng trống lớn trong đoàn Huỳnh Long và mảng cải lương tuồng cổ. Trưởng đoàn Huỳnh Long Bình Tinh khẳng định, chị sẽ tiếp tục gánh vác đoàn, dẫn dắt mọi người tiến lên.
Ở tuổi 34, Bình Tinh đã nếm đủ cay đắng, chông gai trong đời. Tuổi ấu thơ của chị không được ở nhà, mười mấy tuổi thì ba mẹ ly hôn, thay ba mẹ gánh nợ. Chị từng trải qua nhiều năm sống "như cỏ dại ven đường", bị người đời khinh thường vì nghèo khó, bị khán giả quên lãng trước khi nhận lại hào quang vào năm 2015 ở chương trình Sao nối ngôi.
Bình Tinh có nghị lực phi thường vượt qua mọi nghịch cảnh. Trách nhiệm cũng là động lực để chị tiến lên mỗi ngày. Chị còn đoàn hát, còn em ruột, con gái Bella, con trai của anh quá cố và mong ước làm thiện nguyện giúp đời lẫn giấc mơ vực dậy văn hóa cải lương.
Từ trái sang: Hoàng Đăng Khoa - Bình Tinh - Thái Vinh trong lễ Chung thất của 4 người thân. Họ sẽ gánh vác đoàn Huỳnh Long cũng như là thế hệ tiếp nối của cải lương tuồng cổ.
Bên cạnh Bình Tinh còn có 2 đoàn phó Hoàng Đăng Khoa và Thái Vinh đều là 2 kép hát được đánh giá cao về năng lực. Cả hai cũng là con nuôi của soạn giả Bạch Mai. Cặp đào kép Bình Tinh - Thái Vinh ngày càng khẳng định thương hiệu trong lòng khán giả. Chị cùng các nghệ sĩ trong đoàn vừa nâng cao chuyên môn, vừa nuôi dưỡng thế hệ kế thừa qua các bé Trọng Nhân, Bảo Ngọc,... trong đó có bé Bella - con gái Bình Tinh và ca sĩ Nhật Minh.
Ngoài ra, dù soạn giả Bạch Mai tạ thế nhưng gia tài tác phẩm đồ sộ của bà sẽ mãi dành cho con gái Bình Tinh và đoàn Huỳnh Long. Thái Vinh kể, soạn giả sinh thời từng nói với các con: “Mẹ không có gì cho mấy đứa, chỉ có tuồng thôi. Khi mẹ mất, mẹ sẽ để tuồng cho mấy đứa dùng, hãy cố gắng phát huy chúng”. Cũng như với cải lương tuồng cổ, các tác phẩm của bà sẽ đi cùng năm tháng.