3/21
Khu vực trung tâm Đà Lạt tương lai không nên xây nhà cao tầng mà ưu tiên phát triển mảng xanh, bảo tồn các công trình lịch sử, theo TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn.
Theo nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 vừa được Thủ tướng duyệt, thủ phủ du lịch tỉnh Lâm Đồng sẽ được mở rộng, gồm 6 đô thị vệ tinh, với thành phố hiện hữu là trung tâm.
Phạm vi nghiên cứu gồm: TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà, tổng diện tích hơn 335.000 ha. Đây là những địa phương nằm kề Đà Lạt, còn nhiều quỹ đất và mảng xanh. Trong đó, với diện tích 5.900 ha TP Đà Lạt có chức năng trung tâm hành chính, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, bảo tồn các di sản kiến trúc. Các đô thị vệ tinh đảm nhiệm các chức năng khác nhau và kết nối khu trung tâm.
Dân số Đà Lạt đến năm 2035 được tính toán đạt hơn 1,1 triệu người; đến 2045 khoảng 2 triệu người. Tỷ lệ đô thị hóa của thành phố đến năm 2030 khoảng 76%; năm 2050 gần 80%.
TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc xây dựng đô thị đa trung tâm cho Đà Lạt là điều rất cấp bách bởi nơi đây đang quá tải cả hạ tầng kỹ thuật lẫn xã hội. Tuy nhiên, Đà Lạt trong tương lai không nên phát triển công trình cao tầng, bêtông hóa ở khu vực trung tâm. Thay vào đó, chính quyền cần khuyến khích nhà đầu tư làm dự án cao tầng ở các đô thị vệ tinh, song song đó phải tìm cách giảm tải cho thành phố hiện hữu.
"Khi đã định hình rõ các đô thị vệ tinh, Đà Lạt không còn thiếu đất, khu vực nội thành cần ưu tiên cho việc bảo tồn các công trình lịch sử, chỉnh trang đô thị và trả lại các mảng xanh đang bị xâm phạm rất nhiều", ông Sơn nói.
KTS nhiều năm nghiên cứu về quy hoạch Đà Lạt cho biết những đô thị mới bên ngoài thành phố cần làm đường lớn hơn, chú trọng đến giao thông công cộng. Du khách được khuyến khích lưu trú bên ngoài và vào trung tâm Đà Lạt để thăm viếng, bởi thành phố hiện hữu đường sá rất nhỏ, phương tiện cá nhân gia tăng nhanh đã khiến giá trị đô thị nơi đây giảm sút.
"Cần phát triển chuỗi đô thị vệ tinh nhiều bản sắc, đa dạng. Cùng với đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư du lịch nông nghiệp, thắng cảnh, sông hồ để để khách lưu trú và có những trải nghiệm mới", ông Sơn nói và cho rằng việc này tạo nguồn thu, kéo giãn người dân ra khỏi vùng trung tâm vốn đang chật chội, bí bách.
Cũng theo ông Sơn, tương lai thủ phủ du lịch của Lâm Đồng vẫn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhưng cần giảm mật độ xây dựng nhà kính. Trên một miếng đất diện tích xây nhà kính chỉ chiếm 20-30% để giảm hệ lụy về môi trường cũng như nguy cơ ngập lụt vùng lân cận vào mùa mưa.
Ngoài ra, sau này khi tuyến cao tốc Liên Khương - Đà Lạt, Nha Trang - Buôn Mê Thuột hoàn thành, lượng khách đến thủ phủ du lịch của tỉnh Lâm Đồng sẽ rất đông. Do đó, chính quyền cần có định hướng về giao thông theo hướng khuyến khích khách du lịch đến Đà Lạt bằng phương tiện công cộng hoặc đi theo nhóm.
"Những ai đi xe cá nhân thì phải trả phí môi trường cao hơn, đỗ xe mắc hơn để tạo nguồn thu, cũng là cách để người dân chọn phương tiện công cộng", ông Sơn nói.
Từng thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học ở vùng cao nguyên Lâm Viên, TS Vũ Ngọc Long, nguyên viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam, cho rằng tình trạng nhà kính, nhà màng làm nông nghiệp công nghệ cao như "vòng kim cô" bóp nghẹt Đà Lạt.
Theo ông, nông nghiệp thành phố này gắn liền với du lịch, song trong tương lai thành phố nên loại bỏ nhà kính, nhà màng mà thay bằng sản xuất công nghệ sạch, thân thiện với môi trường nhằm thoát nước và phục hồi khí hậu Đà Lạt. Ở khu vực trung tâm cần hạn chế xây nhà nghỉ, khách sạn khiến cảnh quan bị phá phá vỡ. Thành phố du lịch nhưng "hết không gian để du khách thở".
Ở vùng chuyển tiếp của Đà Lạt phía dưới như Đức Trọng có thể phát triển trồng hoa bằng nhà kính, nhà màng, song phải trồng xen canh, không gian thoáng; huyện Lạc Dương, Lâm Hà cần phát triển cây công nghiệp cà phê, cây ăn trái khác hẳn với nơi khác, tuyệt đối không phát triển nhà kính.
"Khi phát triển Đà Lạt ra các khu vực xung quanh cần lưu ý đến việc bảo tồn nền văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc tại chỗ như Cơ Ho, Nùng, Mạ...", ông Long nói.
PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh, nguyên chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Lâm Đồng, cho rằng suốt thời gian dài Đà Lạt phát triển tự phát, lộn xộn. Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao dẫn đến tình trạng xây nhà màng, nhà kính tràn lan, khiến "không gian đô thị thành phố trở nên kinh khủng".
"Tôi cảm thấy yếu tố thiên nhiên thơ mộng mà tạo hóa ban cho thành phố đã mất đi nhiều", ông nói và cho rằng quy hoạch dài hơi cho tương lai của Đà Lạt là điều tất cả mọi người đều mong muốn. Chính quyền địa phương cần tiếp cận các chuyên gia, lắng nghe suy nghĩ của họ, rồi lên một kế hoạch cụ thể, tránh tình trạng làm đến đâu hay đến đấy.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND Lâm Đồng, cho biết sau khi tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và các vùng phụ cận được phê duyệt, tỉnh sẽ giao Sở Xây dựng tham mưu, từng bước thực hiện theo lộ trình.
Đà Lạt được hình thành cách đây 130 năm, hiện có diện tích hơn 394 km2, dân số hơn 237.000 người (năm 2022). Với độ cao 1.500 m so với mực nước biển, khí hậu dịu mát quanh năm, kiến trúc độc đáo, Đà Lạt thu hút đông du khách.
|
|