Chiến dịch phản công quy mô lớn của Ukraine có thể sẽ bắt đầu ngay từ cuối tuần này hoặc trong vài ngày tới, sau khi Kiev nhận thêm vũ khí viện trợ từ phương Tây.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa (Ảnh: New York Times).
"Đã đến lúc lấy lại những gì thuộc về chúng ta", Tổng Tư lệnh Quân đội Ukraine Valerii Zaluzhnyi ngày 27/5 cho biết. Tuyên bố được đăng tải cùng một đoạn video cho thấy binh sĩ Ukraine chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn. Một số binh sĩ được nhìn thấy đang vận hành xe tăng của Đức, số khác khai hỏa tổ hợp pháo HIMARS do Mỹ viện trợ - những loại vũ khí mà Kiev có thể sử dụng cho chiến dịch phản công sắp tới.
Tuy tướng Zaluzhnyi không hé lộ thông tin liệu chiến dịch phản công của Kiev sẽ bắt đầu ở đâu và khi nào, nhưng tuyên bố của ông là tín hiệu trực tiếp và rõ ràng nhất rằng chiến dịch này đang đến rất gần.
Các quan chức cấp cao khác của Ukraine cũng phát tín hiệu quân đội nước này chuẩn bị phản công. Thư ký Hội đồng Quốc phòng An ninh Ukraine Oleksiy Danilov hôm 27/5 nói với BBC, quân đội Ukraine đã sẵn sàng và chiến dịch phản công quy mô lớn có thể mở màn "ngày mai, ngày kia hoặc sau một tuần nữa".
Ông Danilov nhấn mạnh, Kiev "không được phép sai sót" trong quá trình ra quyết định phản công bởi vì đó là cơ hội mang tính lịch sử mà Ukraine không thể để tuột mất.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn Guardian, cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, cho biết các hoạt động mở đường cho chiến dịch phản công thực tế đã bắt đầu.
"Đó là một quá trình phức tạp, vấn đề không phải là một ngày, một giờ cụ thể nào. Đó là một quá trình liên tục nhằm giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ, quá trình đó đang diễn ra, như phá hủy các đường tiếp viện, kho quân sự của đối phương đằng sau chiến tuyến", ông Podolyak nhấn mạnh. Ông cho biết thêm: "Cường độ của các hoạt động này đang tăng dần, song có thể sẽ mất thêm một thời gian nữa".
Thời tiết ở Ukraine bắt đầu trở nên khô ráo hơn sau những tháng mùa xuân ẩm ướt, lầy lội càng củng cố dự đoán Kiev sắp mở chiến dịch phản công. Ngoài ra, Ukraine đã dành nhiều tháng để tích trữ vũ khí do phương Tây viện trợ, gửi hàng chục nghìn binh sĩ đến các nước đồng minh, đối tác để được huấn luyện bài bản.
Giới chức quân sự phương Tây cũng khẳng định, Ukraine hiện có đủ vũ khí và nhân lực để phản công. Mặc dù vậy, Kiev tiếp tục đề nghị Mỹ và đồng minh cung cấp những vũ khí hiện đại hơn như tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức hôm qua xác nhận, Ukraine đã đề nghị Đức cung cấp tên lửa hành trình Taurus, một loại vũ khí phóng từ trên không với tầm xa khoảng 500km. Taurus có thể tấn công các mục tiêu giá trị cao, lực lượng hoặc kho nhiên liệu sâu phía sau tiền tuyến. Nó cũng có thể phá hủy những mục tiêu khó như boongke sâu dưới mặt đất.
Đến nay, phương Tây vẫn thận trọng với các đề nghị cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine do lo ngại chúng có thể sử dụng cho các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga và khiến xung đột leo thang nguy hiểm. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhiều lần nhấn mạnh, vũ khí Berlin chuyển cho Kiev không được phép sử dụng để tấn công Nga.
VietBF@sưu tập