Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Donald Trump đề xuất bãi bỏ một số quy định trong lĩnh vực năng lượng nhằm tăng nguồn cung dầu.
Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất bên ngoài (gọi tắt là OPEC+) lo ngại về khả năng sản lượng dầu của Mỹ tăng trở lại khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
OPEC+ sản xuất khoảng 1/2 lượng dầu của thế giới và đầu tháng này đã trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng đến tháng 4-2025. Nhóm cũng gia hạn một số đợt cắt giảm nguồn cung đến cuối năm 2026 do nhu cầu yếu và sản lượng gia tăng từ Mỹ cũng như từ một số nhà sản xuất dầu không thuộc OPEC+. Theo hãng tin Reuters, Mỹ hiện khai thác 1/5 nguồn cung dầu của thế giới. Sau cuộc bầu cử tập trung vào nền kinh tế và chi phí sinh hoạt, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump đưa ra một gói biện pháp sâu rộng nhằm bãi bỏ nhiều quy định đối với lĩnh vực năng lượng.
Một đại diện của nước thành viên OPEC+ là đồng minh của Mỹ cho hay sự trở lại của ông Trump là tin tốt cho ngành dầu mỏ khi các chính sách môi trường có thể ít nghiêm ngặt hơn nhưng việc sản lượng dầu tăng tại Mỹ là tin xấu cho OPEC+. Sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục tăng sẽ cản trở kế hoạch của OPEC+ về việc tăng sản lượng trở lại từ tháng 4-2025 mà không gây rủi ro giá giảm, vốn sẽ gây thiệt hại cho các nước OPEC+ phụ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ.
Cơ quan Năng lượng quốc tế dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng 3,5% vào năm tới, nhanh hơn nhóm OPEC. Ông Richard Bronze, người đứng đầu bộ phận địa chính trị tại Công ty về năng lượng toàn cầu Energy Aspects (Anh), nhận định xu hướng này sẽ làm giảm ảnh hưởng của OPEC+.
Nhà máy lọc dầu của Công ty LyondellBasell tại TP Houston, bang Texas - Mỹ. Ảnh: REUTERS
Trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump từng cam kết sẽ tìm cách giảm lạm phát bên cạnh việc hạ giá năng lượng. Liên quan đến lạm phát, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) báo hiệu sẽ cắt giảm lãi suất ít lần hơn vào năm 2025 so với dự kiến trước đó. Chủ tịch FED Jerome Powell có cuộc họp báo về quyết định lãi suất hôm 18-12 (giờ địa phương).
Theo hãng tin Bloomberg, nền kinh tế Mỹ đã cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn so với dự báo vài tháng trước. Số liệu gần đây cũng cho thấy lạm phát đang giảm chậm hơn so với dự báo và thị trường lao động không suy yếu nhiều như lo ngại ban đầu. Các số liệu kinh tế tốt hơn dự báo cũng đặt ra câu hỏi liệu lãi suất trung bình có được duy trì ở mức cao hay không. Ông Tim Duy, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty Tư vấn và Nghiên cứu kinh tế SGH Macro Advisors (Mỹ), cho biết sự không chắc chắn này có thể khiến các quan chức FED thận trọng hơn. Theo phần lớn các nhà kinh tế được Bloomberg News khảo sát, FED có thể đưa ra 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm tới, ít hơn một lần so với dự báo hồi tháng 9. Ông Luke Tilley, nhà kinh tế trưởng tại Tổ chức tài chính Wilmington Trust (Mỹ), nhận định mức lãi suất sẽ dao động trong khoảng 3,25%-3,5% vào cuối năm 2025.
Trong khi đó, số liệu của Bộ Thương mại Mỹ hôm 17-12 cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ đã vượt qua kỳ vọng khi tăng 0,7% vào tháng 11, nhờ sự gia tăng mua sắm trực tuyến và ô tô. Phản ứng tích cực từ thị trường Mỹ và dự báo hạ lãi suất của FED khiến chỉ số đồng USD (DXY), chỉ số đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, tăng lên quanh ngưỡng 107 điểm hôm 18-12. Chuyên gia Steve Englander tại Ngân hàng Standard Chartered chi nhánh ở Mỹ lập luận thị trường đang lo ngại FED sẽ chỉ cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm tới nên giá đồng USD có biểu hiện tích cực.
VietBF@sưu tập