Bensons Property Group vỡ nợ để lại hơn 1.000 căn nhà dang dở với tổng giá trị 1,5 tỷ AUD trải dài ở ba bang lớn hàng đầu Australia.
Bensons Property Group (BPG) vừa tuyên bố chuyển giao quyền quản trị do vỡ nợ. Tập đoàn tư vấn KordaMentha sẽ là đơn vị tiếp nhận quyền điều hành Bensons. Thành lập năm 1994 bởi Elias Jreissat, Bensons được biết đến là một trong những tập đoàn xây dựng hàng đầu của Australia.
Tập đoàn xây dựng này cho rằng lĩnh vực xây dựng trong nước gặp nhiều khó khăn như lạm phát, lãi suất cao, chi phí xây dựng tăng mạnh khiến hàng nghìn nhà thầu phá sản, gồm cả Bensons.
Theo quy định của Australia, trước khi bị phát mãi tài sản do vỡ nợ, công ty có thể chuyển giao quyền quản lý, điều hành sang người thứ ba độc lập để khắc phục tình trạng khó khăn tài chính của doanh nghiệp. Người đứng đầu công ty sẽ quyết định chuyển giao quyền điều hành hay giải thể công ty càng nhanh càng tốt. Quy định này dựa trên nguyên tắc tự định đoạt của con nợ để đảm bảo quyền lợi cho các chủ nợ và khách hàng.
Tổng giám đốc điều hành Bensons, Rick Curtis cho biết đây là quyết định "rất khó khăn nhưng không thể tránh khỏi" nhằm bảo vệ quyền lợi của hàng trăm người mua nhà, nhân viên và các bên liên quan. Việc chuyển giao quyền điều hành là lựa chọn tốt nhất để tập đoàn "vượt qua giai đoạn cực kỳ thách thức với các nhà phát triển".
Bensons cũng cho biết sẽ hoàn thành xây dựng hơn 1.000 căn nhà dang dở với tổng trị giá 1,5 tỷ AUD tại các bang Victoria, Queensland và Tasmania.
Một dự án chung cư dang dở của Bensons ở Footscray, phía Tây thành phố Melbourne. Ảnh: TSMH
Thời gian qua, ngành xây dựng tại Australia liên tục gặp khó khăn khiến niềm tin của người mua nhà sụt giảm. Trước đó, vào tháng 3 năm ngoái, Porter Davis, nhà thầu xây dựng lớn thứ 12 của nước này, cũng tuyên bố giải thể, để lại 1.700 căn nhà dang dở ở Victoria và Queensland. Đầu năm nay, công ty xây dựng Montego Homes cũng bị tước quyền tự điều hành.
Dữ liệu của Uỷ ban Chứng khoán và đầu tư Australia cho biết riêng giai đoạn tháng 7/2023-3/2024, hơn 2.000 nhà thầu xây dựng ở nước này đã phải chuyển giao quyền quản trị do vỡ nợ, chiếm gần 27% tổng số đơn vị phá sản trong giai đoạn đó.
Cuộc khủng hoảng của ngành xây dựng khiến hàng loạt dự án nhà ở rơi vào đình trệ vô thời hạn. Thị trường thiếu nguồn cung trầm trọng đẩy giá nhà ngày càng leo thang. Báo cáo gần đây của Kho bạc liên bang Australia cho thấy người trẻ nước này mất khoảng 11,4 năm để tiết kiệm 20% tiền đặt cọc mua nhà. Trong khi con số này vào năm 2002 là 6 năm.
"Rào cản lớn nhất với người trẻ Australia hiện nay là làm sao tiết kiệm đủ tiền đặt cọc mua nhà", cơ quan này nhận định.
VietBF@sưu tập