Bệnh tim, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường hay thói quen nghiện rượu, hút thuốc, lười tập thể dục góp phần tăng nguy cơ đột quỵ.
Đột quỵ xảy ra khi lưu lượng cung cấp đến não đột ngột gián đoạn do tắc nghẽn hoặc chảy máu trong não. Đột quỵ có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, năng suất làm việc, khiến người bệnh phải nằm liệt giường, tử vong. Một số vấn đề sức khỏe hoặc thói quen sinh hoạt kém lành mạnh có thể dẫn đến đột quỵ.
Hút thuốc: Đây là một trong những yếu tố thường gặp thúc đẩy đột quỵ. Do đó, bỏ hút thuốc làm giảm nguy cơ đột quỵ và tác động tích cực đến sức khỏe của những người sống xung quanh. Thực hiện các biện pháp cai hút thuốc và có bác sĩ tư vấn giúp quá trình bỏ thuốc lá dễ thành công hơn.
Tiểu đường: Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn bình thường. Bởi lượng đường trong máu cao làm tổn thương các mạch máu, khiến chúng cứng lại, dẫn đến cục máu đông làm tắc nghẽn máu di chuyển lên não, gây đột quỵ. Bệnh tiểu đường và đột quỵ cũng có chung một số yếu tố nguy cơ, bao gồm chế độ ăn uống kém và ít tập thể dục.
Huyết áp cao: Phần lớn các ca đột quỵ do thiếu máu cục bộ có liên quan đến huyết áp cao. Huyết áp tăng không được kiểm soát cũng làm vỡ động mạch dẫn đến xuất huyết não. Người bệnh nên kiểm soát chỉ số huyết áp bằng cách giảm muối, ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, tăng cường tập thể dục, dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ để giảm nguy cơ.
Nghiện rượu: Đột quỵ cũng có liên quan đến thói quen uống quá nhiều rượu. Rượu có thể gây mất nước, thiếu hụt dinh dưỡng, dễ bị đột quỵ. Nếu đã quen uống rượu, hãy giới hạn một ly mỗi ngày với nữ, hai ly với nam.
Mức cholesterol cao: Cholesterol xấu (LDL) tăng cao có thể làm tắc nghẽn động mạch não. Để giảm chỉ số, người bệnh nên ăn ít chất béo bão hòa, tránh thực phẩm chế biến sẵn, tập thể dục thường xuyên. Nếu không thể duy trì mức cholesterol khỏe mạnh bằng cách thay đổi lối sống thì dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ là điều cần thiết.
Lối sống ít vận động: Đột quỵ cũng xảy ra với người không tập thể dục đầy đủ, dẫn đến béo phì và tình trạng kháng insulin. Người trưởng thành khỏe mạnh nên duy trì 20-30 phút tập thể dục vừa phải (đi bộ, đạp xe, yoga) 5 lần một tuần. Các bài tập rèn luyện sức mạnh cường độ cao (chạy bộ, nâng tạ, plank) thực hành 2-3 ngày một tuần.
Bệnh tim: Người có tiền sử đau tim hoặc rung tâm nhĩ (tức nhịp tim không đều) có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp nhiều lần so với người không mắc. Rung tâm nhĩ có thể gây đông máu trong buồng tim, từ đó cục máu đông di chuyển lên não. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các phương pháp điều trị hoặc kiểm soát tốt hơn.
Căng thẳng và trầm cảm: Đột quỵ có liên quan đến sức khỏe tinh thần. Căng thẳng tàn phá sức khỏe, từ đó dẫn đến tăng huyết áp và lượng đường huyết. Kiểm soát căng thẳng, trầm cảm, tức giận và lo lắng đều rất quan trọng để giảm nguy cơ đột quỵ. Thực hành thiền, yoga, đi dạo ngoài trời, nghe nhạc êm dịu, ngủ đủ giấc giúp cải thiện tâm trạng, tốt cho não.
|