Xôi gấc luôn xuất hiện vào mâm cỗ ngày Tết với ý nghĩa mang lại may mắn, tài lộc. Nếu không biết cách làm dễ bị nhão ướt, lên màu xỉn và để lâu bị lại gạo.
Cách làm
Chuẩn bị gạo nếp: Chọn nếp nương hoặc nếp cái hoa vàng đồ xôi căng bóng, dẻo thơm. Gạo nếp vo sạch rồi ngâm nước lạnh, tùy theo từng loại gạo mà thời gian ngâm khác nhau, với gạo nếp cái hoa vàng thường 6 - 8 giờ, gạo nếp nương đồng bào dân tộc mùa mới chỉ 3 - 4 giờ. Gạo nếp có ngâm đủ thời gian ngậm no nước thì khi đồ xôi mới dẻo mềm. Khi ngâm cho chút muối hạt để hạn chế gạo ngâm lâu bị chua. Sau khi ngâm, tráng rửa nhẹ, để ráo nước rồi cho chút muối hạt xóc nhẹ đều cho đượm gạo.
Nên chọn gấc nếp thì khi đồ xôi màu đẹp hơn, dấu hiệu là quả nhỏ, vỏ nhẵn mỏng, màu tươi sẫm. Gấc đem bổ đôi, cạo lấy phần thịt cùng chút cùi vàng (tạo vị bùi béo), thêm chút rượu trắng và dầu ăn rồi dằm nhuyễn ra, bọc màng bọc thực phẩm để tủ lạnh vài tiếng sẽ lên màu đẹp hơn. Nếu làm nhiều chia các phần trữ vào túi zip chuyên dụng, mỗi lần đồ xôi khá tiện lợi, nhanh gọn.
Vào gấc: Cho gấc vào gạo nếp xóc và đảo nhẹ cho hòa quyện, gấc bám đều các mặt hạt gạo nếp. Để xôi lên màu đẹp thì thời gian ngâm gấc tầm 1,5 - 2 tiếng.
Chuẩn bị đỗ xanh trang trí: Làm song song với ngâm gạo nếp. Đậu xanh ngâm 4 tiếng cho nở rồi vo rửa sạch. Cho đậu xanh vào nồi ngập nước, đun sôi, hạ lửa nhỏ và mở vung đun cho đậu xanh mềm nhừ, để nguội chút. Xay nhuyễn đậu xanh cùng 200 ml nước, 60 - 80 gr đường, 15 ml dầu ăn và chút muối rồi đổ vào chảo sên nhỏ lửa như sên làm bánh Trung thu. Sau 35 - 40 phút đậu xanh trở thành khối đồng nhất, dẻo mịn, không dính là đạt. Chia ra làm các phần rồi bọc kín màng bọc thực phẩm để không bị khô.
Đồ xôi gấc: Nên đồ 2 lần lửa giúp xôi dẻo mềm, căng bóng, để lâu không bị lại gạo. Đun sôi 1/3 lượng nước trong nồi, lót khăn xô rồi bốc gạo nếp vào dàn đều ra chõ, chọc mấy lỗ to cho thoát nhiệt, thông khí rồi gập đậy vải màn hoặc khăn xô phủ kín để nước không đọng, chảy xuống làm nhão xôi khi đồ. Thỉnh thoảng mở nắp ra ngoài để chảy bớt phần hơi nước bốc lên, xới cho xôi chín đều. Sau 35 - 40 phút khi xôi chín 80% xới ra rổ hoặc mẹt, tãi đều. Cho đường (điều chỉnh theo khẩu vị) vào xôi rồi đảo đều. Nếu đồ nhiều xôi nên để nguội, chia nhỏ các suất đủ từng bữa ăn rồi cấp đông. Việc hong nguội giúp hạt xôi hồi lại, khi đồ tiếp lửa 2 sẽ dẻo mềm dù để lâu. Đồ lửa 2: Trước khi ăn đồ xôi lửa 2, vẩy chút nước lạnh, đánh xôi tơi ra cho lên đồ 5 phút, lúc này xôi mềm mới cho mỡ gà hoặc dầu ăn vào đảo đều rồi tiếp tục đồ thêm 10 - 15 phút. Lúc này hạt xôi hút đẫy nước trở nên dẻo mềm, căng mọng và lên màu đẹp mắt là được.
Đóng khuôn chữ: Dùng khuôn chữ Phúc, Lộc, Thọ, phết lớp mỏng dầu ăn rồi lấy lượng vừa đủ đậu xanh đã sên cho vào miết nhẹ đầy đặn và đều mịn phần chữ.
Đóng xôi và hoàn thiện: Xới xôi cho tiếp trên phần chữ rồi ấn nhẹ tay là hoàn thiện.
Yêu cầu thành phẩm: Xôi gấc lên màu đỏ tươi, hạt căng bóng, dẻo mềm, vị ngọt vừa vặn. Đây là món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Việt tượng trưng cho sự thịnh vượng, cát tường, nhiều khởi sắc vẹn tròn năm mới.
Chú ý:
Để món xôi ngon nên chọn nếp ở các cơ sở uy tín và ngâm tùy theo từng loại để giúp nếp ''ngậm tròn nước'', khi đồ sẽ dẻo mềm, căng mọng. Hơn nữa giúp loại bỏ bớt lượng lectin trong hạt tốt cho sức khỏe.
Tận dụng thời gian trước Tết làm sẵn, đóng xôi cất vào các hộp trữ thực phẩm chuyên dụng để nguội cho vào ngăn đá. Vào ngày Tết chỉ cần rã đông rồi vẩy chút nước và quay lại lò vi sóng vài phút là có đĩa xôi dẻo mềm như mới.
Gạo nếp và đỗ xanh sau khi ngâm cần xả nhẹ nhàng qua nước lạnh cho tới khi nước trong, để ráo nước rồi mới đồ. Đây là bí quyết xôi để lâu không bị thiu.
Đồ xôi ban đầu cứ để cả hạt gấc. Sau khi đồ lửa 1 thì tãi ra mâm hoặc mẹt để nguội bóc lấy hạt ra, giữ lại màng bên ngoài hạt gấc giàu vitamin A tự nhiên rất tốt cho sức khỏe.