Dù ông Trump nói sẽ yêu cầu Fed giảm ngay lãi suất, giới chuyên gia đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ không hành động trong cuộc họp tuần sau.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) hôm 23/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ yêu cầu Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) "giảm lãi suất ngay lập tức". Ngoài ra, thế giới cũng nên hành động tương tự, theo ông.
Bài phát biểu được nêu trong thời điểm Fed sẽ tiến hành cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào tuần sau. AP cho hay, hầu hết nhà phân tích đang dự đoán ngân hàng trung ương của Mỹ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4,25-4,5%.
Nguyên nhân là do tình hình kinh tế toàn cầu không chắc chắn, lạm phát vẫn ở mức cao. Cùng với đó, tháng trước, Fed đã hạ dự báo về khả năng cắt giảm lãi suất từ 4 lần còn 2 lần trong 2025, sau khi đã hạ 1 điểm phần trăm năm ngoái.
Tại cuộc họp gần nhất vào ngày 17-18/12, Fed vẫn duy trì quan điểm rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm đều đặn hướng đến 2%, dù chậm. Trong khi, tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng và nền kinh tế vẫn tăng trưởng.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), công cụ Fed sử dụng để đo lường mục tiêu lạm phát, đã gần đạt 2% trên cơ sở ba và sáu tháng. Họ kỳ vọng đạt được tiến triển ổn định trong vài tháng tới nhưng cần thêm dữ liệu để xác nhận.
"Chúng tôi coi cuộc họp tháng Giêng của Fed chủ yếu là bước đệm," các nhà phân tích của Bank of America đánh giá. Với nhiều bất ổn, nhà băng này kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3 hoặc tiếp tục giữ nguyên.
Mặt tiền trụ sở Fed tại Washington DC, Mỹ, ngày 14/6/2022. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, ông Trump đang khiến công việc của Fed phức tạp hơn. Trong những ngày đầu nhiệm kỳ mới, Tổng thống đã thắt chặt quy định nhập cư, với ý định tăng cường trục xuất người vượt biên trái phép. Ông cũng đồng thời đe dọa áp thuế nhập khẩu Canada, Mexico và Trung Quốc từ tháng sau.
Thách thức đối với Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp sẽ là xác định mức độ tác động của những bất ổn này lên chính sách tiền tệ hiện tại và cách hợp lý để đưa ra các dự báo triển vọng.
Nếu đi quá xa, điều đó có thể bị coi là chính trị hóa, theo Vincent Reinhart, Kinh tế trưởng tại BNY Investments. Ngược lại, nếu Fed không cung cấp đủ thông tin, công chúng hiểu sai về những gì có khả năng xảy ra.
Vincent Reinhart cho rằng hiện bất kỳ dự báo nào cũng liên quan đến yếu tố chính trị, rất khó cho cơ quan độc lập như Fed. "Bạn không thể thay đổi chính sách tiền tệ dựa trên giả định rằng sẽ có thuế quan hoặc luật thuế trong năm nay. Hiện tại, có rất nhiều biến số đang thay đổi", ông chỉ ra.
Các chính sách của ông Trump được triển khai nhanh hay chậm và theo hướng nào những tháng tới cũng có khả năng ảnh hưởng đến giai đoạn cuối trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed.
Trong cuộc họp tháng trước, các quan chức Fed thừa nhận những tác động tiềm tàng từ các chính sách thương mại, nhập cư và các chính sách khác của ông Trump. Họ thiên về giả định tăng trưởng chậm hơn một chút, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và ít tiến triển hơn về giảm lạm phát trong 2025.
Bradley Saunders, nhà kinh tế khu vực Bắc Mỹ của Capital Economics dự đoán Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất tại các cuộc họp vào tháng 3 và tháng 6. Tuy nhiên, ông lưu ý bất kỳ quyết định nới lỏng nào sắp tới cũng đều không chắc chắn, do các chính sách nhập cư làm giảm tăng trưởng lực lượng lao động và thuế quan dẫn đến lạm phát tăng trở lại.
"Chúng tôi dự đoán một chính sách pha trộn, gây tăng trưởng chậm và lạm phát từ chính quyền Trump mới", Saunders nhận định. Ông nghiêng về việc Fed giảm cắt giảm lãi suất tùy thuộc vào thời gian thực hiện chính sách của Tổng thống.
VietBF@sưu tập