Thở bằng miệng, quá mạnh, không kiểm soát căng thẳng, bỏ qua bài tập cool down hay tư thế xấu là những sai lầm khi hít thở, gây ảnh hưởng đến sức khỏe sau tuổi 50.
Hoạt động thở không chỉ liên quan đến oxy, nó là một công cụ mạnh mẽ cho sức khỏe, sức sống và tuổi thọ. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta mắc phải những sai lầm nghiêm trọng có thể âm thầm phá hoại sức khỏe, đặc biệt là sau 50 tuổi. Tuy nhiên, chỉ cần một vài thay đổi đơn giản, bạn có thể sử dụng hơi thở để cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn, cải thiện và tăng cường khả năng phục hồi. Dưới đây là 5 lỗi thở thường gặp và giải pháp thực tế giúp bạn có cuộc sống tốt nhất ở mọi lứa tuổi:
Thở bằng miệng
Thở bằng miệng có thể mang lại cảm giác tự nhiên, nhưng nó khiến bạn bỏ qua tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể là mũi. Hít thở bằng mũi tạo ra oxit nitric (NO), một phân tử quan trọng có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, chống lại mầm bệnh và giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Nếu không có NO, những người thở bằng miệng thường gặp khó khăn do hấp thụ oxy kém và thở quá mức, có thể dẫn đến mệt mỏi và căng thẳng.
Cách khắc phục:
- Hít thở có ý thức bằng mũi trong các hoạt động hàng ngày như đi bộ hoặc nấu ăn
- Thử dán miệng bằng băng dính y tế khi ngủ để khuyến khích thở bằng mũi (nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn bị ngưng thở khi ngủ)
- Hãy cho cơ thể thời gian để điều chỉnh, đặc biệt là nếu bạn không quen thở bằng mũi
Thở quá mức
Hít thở quá nhiều hay quá mạnh khiến lượng oxy vào cơ thể quá nhiều, có thể làm tăng căng thẳng oxy hóa, đẩy nhanh quá trình lão hóa. Thở quá mức thường xảy ra do thở bằng ngực nông hoặc thở bằng miệng, cả hai đều hạn chế quá trình trao đổi khí tối ưu và gây căng thẳng cho cơ thể.
Cách khắc phục:
- Thực hành thở bằng cơ hoành bằng cách đặt một tay lên bụng và tay còn lại lên ngực. Hít thở tự nhiên và chú ý tay nào chuyển động nhiều hơn. Nếu ngực bạn nhô cao hơn, hãy thay đổi bằng cách tập trung vào việc chuyển động bụng sau mỗi lần hít vào.
- Làm chậm nhịp thở bằng cách hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng, cố gắng hít thở ít hơn nhưng đầy đủ hơn.
Căng thẳng không được kiểm soát
Căng thẳng mãn tính gây ra phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy", khiến hơi thở nông, nhanh ngay cả khi không có nguy hiểm trước mắt. Theo thời gian, điều này có thể khiến cơ thể bạn luôn trong tình trạng căng thẳng, gây mệt mỏi và sức khỏe kém.
Cách khắc phục:
Kết hợp các bài tập thở chánh niệm vào thói quen hàng ngày của bạn. Hãy thử hít vào trong 4 giây, nín thở trong 7 giây và thở ra trong 8 giây. Động tác này kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm, giúp bạn thư giãn.
Hãy biến bài tập này thành một phần trong thói quen buổi sáng của bạn để bắt đầu ngày mới với cảm giác bình tĩnh và tập trung.
Bỏ qua bài tập Cool down sau khi tập luyện
Tập thể dục rất cần thiết để duy trì vóc dáng khi chúng ta già đi, nhưng việc dừng tập đột ngột mà không thực hiện các bài tập cool down có thể khiến bạn thở hổn hển và làm gián đoạn nhịp thở. Điều này có thể gây căng thẳng cho cơ thể và hạn chế khả năng phục hồi.
Cách khắc phục:
- Làm mát cơ thể từ từ bằng cách đi bộ sau khi chạy bộ hoặc thả mình trong hồ bơi sau khi bơi
- Tập trung hít thở sâu và đều bằng mũi trong quá trình hạ nhiệt để ổn định nhịp tim và nhịp thở
Tư thế xấu
Khi già đi, tư thế xấu có thể chèn ép phổi và cơ hoành, khiến việc thở kém hiệu quả hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc cung cấp oxy mà còn có thể gây đau lưng và cổ.
Cách khắc phục:
- Đầu tư vào ghế ngồi, nệm hoặc bài tập yoga tiện dụng để cải thiện sự thẳng hàng của cột sống
- Hãy thử bài tập nhanh này: Hít thở sâu và nín thở trong 3-5 giây. Lưu ý cách cột sống của bạn tự nhiên thẳng ra. Thư giãn vai, sau đó thở ra từ từ. Lặp lại động tác này vài lần mỗi ngày, đặc biệt là khi ngồi.
|