
(Minh họa)
Dường như ở Washington đang nổi lên một lập trường bất nhất nào đó, ít ra là về mặt phát ngôn, đối với Nga về việc chấm dứt chiến sự ở Ukraine, thể như Washington đang muốn chơi trò hỏa mù khiến cho Moscow muốn hiểu ra sao thì cứ hiểu.
Thật vậy, trong khi Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Pete Hegseth nói rằng Hoa Kỳ sẽ không cho triển khai quân đến Ukraine theo bất cứ thỏa thuận hòa bình nào với Nga, thì Phó Tổng thống JD Vance lại đe dọa sẽ cho sử dụng các biện pháp cấm vận và thậm chí sửùng quân đội đối với Nga nếu ông Putin không đồng ý ngồi lại để đàm phán thỏa thuận về hòa bình với Ukraine. Ngay sau khi được cho là đã đưa ra những lời lẽ tựa như một
"tối hậu thư" đối với Nga, Phó Tổng thống JD Vance cho rằng mình đã bị hiểu sai, và phủ nhận việc cảnh cáo rằng Hoa Kỳ sẽ có những hành động quân sự nếu Nga không chịu đàm phán với Ukraine.
Ông Vance cáo buộc
Wall Street Journal đã bóp méo lời phát ngôn của mình, cho rằng trong cuộc phỏng vấn với
WSJ, ông chỉ có đề cập đến
"công cụ đòn bẩy kinh tế" và
"công cụ đòn bẩy quân sự". Vấn đề là khi sử dụng cụm chữ
"công cụ đòn bẩy quân sự", rõ ràng ông Vance đã có ý rằng Mỹ sẽ dùng các biện pháp quân sự để buộc phía Nga phải ngồi lại đàm phán với Ukraine. Không thể hiểu khác đi được.
Rốt cuộc, dù cho ông Vance phủ nhận, thì thực tế vẫn cho thấy là ông có ý đem biện pháp quân sự để đe dọa Nga.
WST đã không hề bóp méo lời phát ngôn của vị Phó tổng thống Mỹ.
Có thể hiểu rằng, nếu đích thân ông Trump nói ra những lời đe dọa trên thì sẽ khiến cho người đồng cấp Nga là Putin bị mất mặt, nên ông đã đẩy cho ông Vance lên tiếng nói ra. Và khi đẩy cho ông Vance nói những lời lẽ dọa dẫm nặng nề đó, ông Trump đã xem Nga là kẻ đang ở vào thế yếu. Là kẻ yếu, Nga buộc phải ngồi vào bàn đàm phán. Lời hăm dọa mà ông Vance đưa ra cũng cho thấy ông Trump quyết tâm đạt được một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine, để không bị xem là người lúc nói ra thì hay mà khi làm thì lại dở, sau khi đã đưa ra hứa hẹn quá nhiều.
Và có thể xem những lời hăm dọa của ông Vance đối Nga cũng là cách mà ông Trump muốn trấn an Ukraine và Âu Châu rằng sẽ không có chuyện Ukraine sẽ nhượng bộ Nga quá nhiều, mà là ngược lại, chính Nga sẽ là kẻ phải chấp nhận nhiều sự nhượng bộ với Ukraine nếu muốn thoát ra khỏi vũng lầy Ukraine này. Có lẽ không có gì quá đáng nếu xem những lời hăm dọa mà ông Vance dành cho Nga giống như một
"tối hậu thư".
Mặt khác, việc Ukraine chưa gia nhập NATO để làm hài lòng một kẻ hoang tưởng như Putin không nên được xem là một sự nhượng bộ đáng kể. Nhất là khi liên minh quân sự này đang đảm nhận vai trò ngày càng lớn trong việc hỗ trợ cho Ukraine, ngay cả khi tương lai viện trợ quân sự của Mỹ vẫn chưa có gì là chắc chắn. Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth xem ra cũng có lý khi nói,
"Hoa Kỳ không tin tư cách thành viên NATO của Ukraine là một giải pháp tốt cho cuộc xung đột".
Nói gì thì nói, trước thái độ cứng rắn của Ukraine và Âu Châu, Hoa Kỳ sẽ phải tham khảo ý kiến của họ trước khi đi đến bất cứ thỏa thuận với Nga về bất cứ điều gì. Đơn giản là vì mọi thỏa thuận hòa bình được ký giữa Mỹ với Nga đều không có giá trị thực hiện nếu không có sự đồng thuận của Âu Châu và Ukraine. Một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine đâu chỉ là vấn đề của riêng nước Mỹ để cho Hoa Kỳ muốn làm gì thì làm.
Vả chăng, Mỹ còn phải nghĩ đến quyền lợi của chính mình, sau khi đã đề xuất đổi nguồn quân viện để lấy khoáng sản đất hiếm với Ukraine. Vì thế, dù cho Ukraine có chấp nhận nhượng bộ nào đi nữa, thì sẽ không có chuyện nước này sẽ nhượng cho Nga các vùng lãnh thổ giàu trữ lượng khoáng sản quý giá này. Ukraine có muốn nhượng thì Mỹ cũng sẽ không chấp nhận đâu!
Trở lại với Phó Tổng thống JD Vance. Sau khi dùng cụm chữ
"công cụ đòn bẩy quân sự" để đe nạt Nga, ông ta cho rằng,
"Thỏa thuận nếu đạt được sẽ gây sốc cho nhiều người". Vì sao lại gây ra sốc? Dù cho ông này không nói rõ ra, nhưng có thể đoán rằng với một thỏa thuận hòa bình một khi được hai bên cùng ký kết, bên phải nhượng bộ nhiều sẽ không phải là Ukraine mà chính là phía Nga. Vì đối với Washington, Nga đang là bên bị yếu thế. Kẻ yếu không được quyền đòi hỏi. Ông Vance nhấn mạnh:
"Tổng thống Trump sẽ không tham gia vào việc giải quyết xung đột này với sự mù quáng".
Nói gì thì nói, người ta vẫn cứ phải chờ đợi để biết ra kết quả cuối cùng. Hoàn toàn có thể tin rằng một nền hòa bình công bằng sẽ đến với Ukraine, dù phải mất một chặng đường dài. Và người ta có thể chờ đợi một thỏa thuận hòa bình có lợi cho đất nước nhỏ bé này với niềm lạc quan, cho dù nó sẽ không đến ngay tức thì.