- Một năm có biết bao bộ phim THVN trên TV, rải rác ở nhiều kênh, nhiều giờ khác nhau và dễ nhạt nhoà, lẫn lộn bởi… nhẵn mặt diễn viên quá.
Anh bạn tôi hễ cứ cầm điều khiển TV lên mà gặp phim Việt là chuyển kênh và than thở: Xem xong đến lúc đi ngủ tai vẫn còn nghe ong ong lời thoại gay gắt của diễn viên mà sáng dậy chả nhớ được gì.
Trải rộng trên quá nhiều đề tài mà hình như chưa thật sự chủ động về kịch bản và tự ý thức về thế mạnh và bản sắc. Một thời ta có những bộ phim về nông thôn khá hay. Không ít diễn viên ăn trắng mặc trơn ở thủ đô mà vào vai quê mùa đạt lắm.
Cảnh trong phim “Bỗng dưng muốn khóc”.
Từ độ ấy mà những trưởng thôn Văn Hiệp, thanh niên làng Trung Hiếu, Công Lý, Tự Long, anh nông dân Quang Tèo, Giang còi… "nhập luôn" vào những hình ảnh ấy cho đến hôm nay. Nhưng không chỉ có thể, một số bộ phim về thành phố, về Hà Nội cũng vẫn có hồn lắm.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước là "12A và 4H", "Sóng ở đáy sông" không rõ được giới chuyên môn đánh giá thế nào nhưng vài lần xem phát lại vẫn cứ "lọt mắt". Cho dù nó có là hàng cũ vẫn gây được thiện cảm hơn khối bộ phim sành điệu với người mẫu, ca sĩ, ôtô, laptop, ghế tổng giám đốc, nói chuyện tiền tỷ… mà xem mãi vẫn không thấy cái chất của phim.
Thiết nghĩ rằng cuộc sống đang ngày một thay đổi, văn hoá nghệ thuật phải tự đổi mới để phản ánh kịp thời những bước tiến đó. Tuy nhiên, sự mới mẻ ấy phải từ những quan niệm nghệ thuật chứ đâu phải chỉ chạy theo sự sành điệu ở vẻ bề ngoài và cầu kỳ tiểu tiết.
Nhìn lại phim VN thì thấy nhiều bộ phim đã quá mòn sáo trong cách dùng người. Với một diễn viên, nếu cứ phải "lương thiện" hoặc "gian ác" suốt cả sự nghiệp thì thật đáng tiếc. Bản thân mỗi diễn viên yêu nghề và tôn trọng khán giả, ngoài việc đi tiếp loại vai diễn của mình thì có lẽ họ cũng muốn đối đầu với thử thách mới.
Người diễn ít được hoán đổi loại nhân vật, người làm phim dường như cũng ít mạnh tay tung vào phim những chiến binh mới. Chỉ có thế mới tiếp sức được cho một đội hình diễn viên truyền hình đang già đi theo thời gian. Các nghệ sĩ ấy tài năng thật nhưng không lẽ ở cái tuổi ông nội, bà nội vẫn còn phải "phanh phiêu phem" thì ngại lắm.
Có thật nhiều cái đáng tiếc cho phim truyền hình khi tiềm năng của chúng ta không đến nỗi nào nhưng lại đang phung phí những thước phim cho sự nhạt nhoà bản sắc và bỏ phí năng lực của diễn viên. Chỉ khi nào những bộ phim này biết cất tiếng bằng sở trường và lối đi riêng cho mình thì thực sự chúng mới chiếm được cảm tình của khán giả.
Bùi Việt Phương
theo dv