Dù thế giới dường như tập trung chú ý tới loại máy bay chiến đấu tàng hình mà Trung Quốc mới sản xuất, quân đội nước này lại đang bận rộn đầu tư cho một loại vũ khí mới - những con bồ câu đưa thư.
Tạp chí Time dẫn thông tin trên báo Trung Quốc cho biết cuối năm ngoái, quân đội Trung Quốc ở Thành Đô bắt đầu huấn luyện 10.000 con chim bồ câu. Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng "nhóm quân bồ câu dự bị" để hỗ trợ thông tin trong trường hợp chiến tranh làm ảnh hưởng tới hệ thống thông tin liên lạc tân tiến.
"Những con chim bồ câu này sẽ tiến hành các sứ mệnh quân sự đặc biệt cho các nhóm quân đóng tại biên giới trên đất liền hoặc trên biển", chuyên gia không quân Chen Hong nói với kênh truyền hình Trung Quốc CCTV.
Những con chim này sẽ được triển khai tới các căn cứ thông tin khắp vùng núi và khu vực hẻo lánh ở tây nam Trung Quốc, đặc biệt là quanh chân dãy núi Himalaya. Chim bồ câu, có tốc độ bay tới 120 km/h, sẽ được huấn luyện để chuyên chở thư tín nặng tới 100 g.
Bồ câu đã làm việc cho quân đội Trung Quốc từ lâu. Chúng từng đưa tin cho quân đội nước này suốt hơn 1.000 năm qua và bồ câu được gắn quân hàm từ cuối những năm 1930. Năm 1937, thiếu úy Claire Lee Chennault, một phi công về hưu của không quân Mỹ, tới Trung Quốc để hỗ trợ việc đẩy lùi lực lượng Nhật ra khỏi nước này. Ông mang theo hàng trăm con chim bồ câu đưa thư. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông để chúng lại Trung Quốc. Chúng trở thành nhóm bồ câu đưa thư đầu tiên cho quân đội Trung Quốc.
Ngày nay, bồ câu cùng phục vụ với 10.000 chó đặc nhiệm, canh giữ nhà kho quân đội, hỗ trợ đặc nhiệm và lực lượng biên phòng. Mỗi năm, Trung Quốc tuyển thêm 2.000 con chó mới. Ngựa, từng là một phần quan trọng trong lực lượng này, ngày càng ít đi vì lực lượng kỵ binh ngày càng đóng vai trò mờ nhạt. Giờ đây, chỉ còn khoảng 1.000 kỵ binh trong khắp cả nước và phần lớn họ chỉ tham gia triển lãm hoặc đóng phim.
Trung Quốc không phải là nước duy nhất dùng tới những chiến binh có cánh trong thời điểm khó khăn. Trong Thế chiến II, hàng trăm con chim bồ câu đã hạ cánh xuống bờ biển Normandy trong ngày D-Day. Chúng trở thành một kênh thông tin của Anh vì các binh sĩ ở đây lo ngại điện đàm của họ bị Quốc xã chặn. Con chim bồ câu đầu tiên trở lại London với tin tức cuộc đổ bộ diễn ra thành công đã được tuyên dương.
Giới tội phạm cũng yêu thích bồ câu. Hồi tháng giêng, giới chức Colombia bắt một con bồ câu được bọn buôn lậu giao nhiệm vụ vận chuyển ma túy cho đồng đảng trong tù. Lượng cocainne và cần sa trên lưng của nó quá lớn khiến nó bị rơi xuống đất trước khi vượt qua tường nhà tù.
Ở Trung Quốc, bồ câu còn được dùng để giải trí. Đua chim bồ câu - và nuôi bồ câu - rất phổ biến ở giới trung lưu. Hồi cuối tháng giêng, tại một cuộc đấu giá bồ câu ở Bỉ, một người Trung Quốc đã phá kỷ lục thế giới với việc trả 200.000 USD cho một con bồ câu được xem là vua trong giới bồ câu đua.
Theo VNE