Trận mưa lớn, kéo dài 5 tiếng đồng hồ bắt đầu từ khoảng 21 giờ ngày 18 đến rạng sáng 19.4 trên địa bàn TP.HCM đã khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư ngập chìm trong nước...
Ngập hơn 1 mét
Sáng 19.4, một số khu dân cư thuộc ba phường: Phú Thạnh, Phú Thọ Hòa, Tân Quý (Q.Tân Phú) và P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân với hàng ngàn hộ dân sinh sống vẫn ngập trong biển nước. Anh Võ Văn Khánh, ngụ nhà số 34/17/15 đường số 15, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, bức xúc: “Sáng nay dù mưa đã dứt hơn 4 tiếng đồng hồ nhưng khi đi trên đường An Dương Vương (Q.Bình Tân) xe hai bánh của tôi vẫn bị chết máy vì nước ngập hơn nửa xe”. Anh Khánh cho biết nhiều dãy phòng trọ trên đường Âu Cơ, Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú), nơi có nhiều công nhân đang thuê đến sáng nước vẫn lênh láng. Trong đêm mưa, công nhân phải di tản sang nhà người quen trú tạm.

Cổng trường, sân trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú) mênh mông nước vào trưa hôm qua - Ảnh: Mỹ Quyên |
Còn trên đường Tân Hòa Đông, Bà Hom (Q.6) sáng hôm qua cũng có rất nhiều xe hai bánh chết máy vì mặt đường bị ngập nước từ 40 cm - 60 cm. Chị Mai Thị Loan, ngụ tại P.Tân Thới Nhất, Q.12 ngán ngẩm: “Đường Phan Văn Hớn ngập từ đầu đến cuối, hàng loạt xe hai bánh chết máy phải dắt bộ. Nước từ miệng cống trào lên bốc mùi thối kinh khủng. Sống ở đây đã 5 năm nhưng tôi chưa bao giờ thấy con đường này ngập nặng như thế”.
|
 | Sáng nay dù mưa đã dứt hơn 4 tiếng đồng hồ nhưng khi đi trên đường An Dương Vương (Q.Bình Tân), xe hai bánh của tôi vẫn bị chết máy vì nước ngập hơn nửa xe
|  |
Một người dân ở P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân
|
|
|
Mực nước mà PV Thanh Niên đo được tại các đường Lê Thúc Hoạch, Nguyễn Sơn, Tân Hương, Phạm Văn Xảo, Đàm Thận Huy, Bình Long, Vườn Lài, Văn Cao… vào lúc 9 giờ ngày 19.4 từ 60 cm đến hơn 1 mét. Tại các khu dân cư thuộc địa bàn khu phố 5, 6, 19, 20… đường Kênh Nước Đen, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, nhiều người dân cho biết từ suốt đêm 18 đến sáng 19.4 nhiều người thức trắng để canh chừng đồ đạc, nhà cửa.
Trên xa lộ Hà Nội (Q.2) do đường bị ngập nước cộng với với việc mặt đường bị chiếm dụng để thi công cầu Rạch Chiếc đã gây kẹt xe kéo dài hơn 3 km từ cầu Rạch Chiếc đến cầu Sài Gòn và lan đến vòng xoay Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh). Hàng nghìn ô tô, xe gắn máy chen chúc nhích từng chút tại vòng xoay Điện Điện Biên Phủ, giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu (Q.1).
Trong khi đó, phân nửa mặt đường Ung Văn Khiêm từ ngã năm Đài liệt sĩ kéo dài gần đến ngã tư Ung Văn Khiêm - D2 (Q.Bình Thạnh) đến sáng hôm qua vẫn còn ngập. Đường vào chợ P.25 - Q.Bình Thạnh gần đó cũng còn ngập sâu, xe gắn máy không thể vào được. Các con hẻm và đường nhỏ 2 bên con đường D2 ngập lấp xấp.
|
Miền Bắc nắng, miền Nam mưa lớn
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đang trải qua một đợt mưa lớn kèm giông trên diện rộng. Tính đến hôm qua 19.4, lượng mưa đo được phổ biến từ 20-50 mm, một số nơi lớn hơn như Cồn Cỏ (Quảng Trị) 58 mm, TP Tuy Hòa (Phú Yên) 123 mm, Bảo Lộc (Lâm Đồng) 57 mm... Trong vài ba ngày tới, ở các khu vực trên vẫn còn khả năng có mưa rào nhiều nơi. Các tỉnh miền Bắc nắng sẽ duy trì từ nay đến hết ngày 22.4 khi một đợt không khí lạnh tràn về. Nền nhiệt độ miền Bắc giảm khoảng 1-2 độ C nhưng gió mùa đông bắc sẽ đem theo mưa kèm giông, tố, lốc, sét và mưa đá. Trên biển, trong 1-2 ngày tới khu vực bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 và có mưa giông mạnh, biển động.
Quang Duẩn |
|
Trên quốc lộ 13, tình trạng ngập nước xảy ra ngay tại ngã tư Bình Triệu. Một người đi đường bức xúc: “Ngay tại ngã tư này, mỗi khi trời mưa là nước không thoát được. Cơ quan chức năng tại sao vẫn cứ để tình trạng ngập kéo dài mà không có giải pháp xử lý, trong khi đây là điểm rất dễ xảy ra ùn tắc giao thông, lại có đường xe lửa đi ngang qua”.
Công trình chống ngập gây... ngập
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, một số tuyến đường ngập sâu và thời gian kéo dài đến sáng và có nơi đến trưa hôm qua, trong đó có các đường gần khu vực đang thi công các công trình đặt cống thoát nước, chủ yếu thuộc dự án Nâng cấp đô thị, Vệ sinh môi trường. Điển hình như các đường: Âu Cơ, Bàu Cát, Trương Công Định (Q.Tân Bình), Bình Long, Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú), An Dương Vương, Kinh Dương Vương, Tên Lửa (Q.Bình Tân), Phan Văn Hớn (Q.12), Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh), Thành Thái, Ngô Quyền (Q.10)…
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước - Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết, trong 41 tuyến đường bị ngập, địa bàn Q.Tân Phú tập trung nhiều nhất, với 13 tuyến đường, hầu hết đều bị ngập nặng. Nguyên nhân ngập chủ yếu là do ảnh hưởng của các công trình thi công của dự án Nâng cấp đô thị đã làm nghẹt dòng chảy thoát nước mưa. Một số tuyến đường đến trưa hôm qua nước vẫn chưa rút được.
Đặc biệt, theo ông Long, sau trận mưa lớn, đã có 64 vị trí bị ngập do các công trình đang thi công... chống ngập trên đường gây ra, trong đó nhiều nhất là dự án Vệ sinh môi trường, với 25 vị trí; kế đến là dự án Nâng cấp đô thị, với 21 vị trí. Ông Long cho hay trung tâm đã nhiều lần lập biên bản về tình trạng thi công gây cản trở dòng chảy, thậm chí Thành ủy và UBND TP đã nhiều lần ra văn bản chỉ đạo khắc phục, nhưng đến nay số lượng vị trí ngập do thi công gây ra vẫn không giảm. Như hồi cuối tháng 3 có 47 vị trí, nhưng nay đã tăng lên 64 vị trí.
Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ), trong thời kỳ chuyển mùa và đầu mùa mưa, những cơn mưa có cường độ lớn như tối 18.4 là bình thường, vì độ ẩm tăng cao và sau những ngày nắng nóng, oi bức, mây đối lưu phát triển mạnh, gây ra mưa lớn.
TP.HCM sẽ còn ngập sau những trận mưa lớn như vậy.
Gần 3.000 học sinh phải nghỉ học Trận mưa đêm 18.4 đã khiến trường THPT Trần Phú (đường Lê Thúc Hoạch, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú) ngập trong biển nước. Mọi tuyến đường dẫn tới trường đều bị ngập sâu khiến học sinh đành phải quay về nhà. Toàn bộ sân trường và tầng trệt của trường THPT Trần Phú ngập nặng. Bà Nguyễn Thị Hiếu Hạnh - Phó hiệu trưởng, ngồi trong văn phòng ngập nước, cho hay mọi tài liệu để ở ngăn tủ dưới và nhiều máy tính, máy in, máy chấm thi trắc nghiệm bị nước vô hư hỏng nặng. “Tôi hết sức bất ngờ khi sáng nay tới trường vào lúc 6 giờ 30 thì thấy nước mênh mông, phải đứng ở đầu đường cùng nhiều học trò và giáo viên. Khi điện thoại vô trường thì bảo vệ thông báo là không thể vào được. Đây là lần đầu tiên trường bị ngập nghiêm trọng như vậy. Chúng tôi buộc phải cho gần 3.000 học sinh của trường nghỉ học trong ngày hôm nay”, bà Hạnh nói. Đến khoảng 11 giờ trưa mà nước vẫn chưa rút. Theo ông Nguyễn Hào Hiệp - Hiệu trưởng trường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nghiêm trọng là do đơn vị thi công công trình Cầu Trắng tại đường Bình Long (Bình Tân) đã không mở dòng nên chặn hết đường thoát nước. Trong buổi sáng hôm qua, UBND Q.Tân Phú đã cử cán bộ phối hợp với đơn vị quản lý công trình Cầu Trắng kiểm tra, làm việc với đơn vị thi công nhằm có biện pháp khắc phục. Mỹ Quyên |
Sau mưa xuất hiện hố tử thần Sau trận mưa lớn, đường phố TP.HCM cũng xuất hiện một số hố tử thần, điểm sụt lún. Lớn nhất là "hố tử thần" có bề rộng hơn 1m, sâu 1m, ở giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Võ Văn Tần (Q.3), bên cạnh là hàm ếch kéo dài hơn 3m đang có nguy cơ lan rộng.

Ảnh: H.A.C | “Hố tử thần” này khiến nhiều người đi đường lo sợ tìm cách né tránh đã gây ùn ứ cục bộ tại giao lộ trên. “Chúng tôi đã cho người đến rào chắn và tạm lấp lại để đảm bảo an toàn cho người đi đường, sau đó sẽ làm rõ nguyên nhân và đưa ra cách xử lý”, ông Lê Minh Triết - Phó phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT cho biết. Gần giao lộ Lê Quý Đôn - Điện Biên Phủ, Lê Thánh Tôn - Tôn Đức Thắng cũng xuất hiện một số điểm sụt lún có khả năng trở thành “hố tử thần”.
|
Mai Vọng - N.Đình Mười - N.Thọ, thanhnien.com.vn