Theo cơn sốt giá, hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số các xã Ia Mơr, Ia Piơr… huyện Chư Prông, Gia Lai bỏ cả nương rẫy vào rừng đào địa liền...
Do mùa khô khu vực Tây Nguyên còn kéo dài, tại những diện tích rừng khộp trên địa bàn các huyện Chư Prông, Đức Cơ… địa liền mọc rải rác khắp nơi. Gần một năm nay, việc bỏ nương rẫy vào rừng đào địa liền là công việc thường ngày của nhiều hộ dân đồng bào dân tộc J'rai ở đây.
Năm nay, giá địa liền lên cao ngất ngưởng, khoảng 9-10 nghìn đồng/kg bất kể khô, tươi. Mỗi ngày, một người vào rừng có thể đào được 20-30kg, bán tại chỗ cũng được 200-300 nghìn đồng.
Những nhóm người kéo nhau vào rừng đào địa liền, trong đó có nhiều hộ đồng bào DTTS bỏ cả nương rẫy.
Là người thường xuyên vào rừng đào địa liền, anh Rơmah Sin, làng Plei Mé, xã Ia Piơr cho biết: "Gia đình tôi chỉ có 5 sào sắn, vừa thu hoạch xong nên cùng vợ con đi đào địa liền bán lấy tiền. Rừng gần làng Plei Mé, địa liền còn nhiều lắm, cây lại mọc sát đất nên rất dễ đào. Mỗi ngày, vợ chồng tôi đào được 40-50kg".
Thông thường, người dân đi đào địa liền khoảng 2 - 3 ngày lại tập kết hàng tại một địa điểm để chờ tiểu thương đánh xe tải nhỏ đến tận nơi thu mua. Nhiều người còn tổ chức thu mua địa liền rồi bán lại cho thương lái để kiếm lời. Địa liền càng lâu năm, củ càng to bán được giá càng cao.
Ông K Pui Tuy- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr cho biết: Việc người dân đi đào địa liền không ảnh hưởng tới rừng vì rễ địa liền mọc nông. Cán bộ xã đã nhiều lần vận động bà con không bỏ rẫy vào rừng đào địa liền. Song do làm rẫy được ít tiền, địa liền lại đang được giá, sáng đi vào rừng, chiều về là có tiền nên ngoài diện tích rừng khộp khu vực các xã Ia Piơ, Ia Mơr, Ia Lâu, nhiều hộ dân tộc J'rai huyện Chư Prông sang cả các cánh rừng khộp khác tại huyện Đức Cơ, Ia Grai… để săn lùng loại thảo dược này.
Theo Luận Thanh/Dân Việt