Bắc Triều Tiên quyết định hủy bỏ chương trình giảng dậy tại các trường cao đẳng và đại học cho đến tháng tư năm 2012. Các sinh viên sẽ phải đi lao động trong các nhà máy và trên các công trường xây dựng.
Kim Chính Nhật. Photo TASS
Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản cho biết, các trường đại học sẽ được mở lại sau mười tháng nữa. Trong thời gian [10 tháng] đó, chỉ có các sinh viên sẽ tốt nghiệp vào năm tới tiếp tục được học tập, và tất nhiên cả những sinh viên đang theo học ở nước ngoài.
Những sinh viên còn lại phải làm việc vì sự “lớn mạnh và tươi đẹp của đất nước“- cái mà công tác tuyên truyền của chế độ Bắc Triều Tiên khẳng định là họ sẽ đạt được trong năm tới – đúng vào thời gian kỉ niệm 100 năm ngày sinh của người sáng lập nước Kim Nhật Thành và 70 năm ngày sinh của con trai ông ta là Kim Chính Nhật, người đang lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay.
Phần lớn các sinh viên được phân công vào lĩnh vực cải tạo các công trình cũ và xây dựng mới. Hai năm trước, chính quyền đã hứa rằng, vào năm 2012, sẽ có 100 nghìn căn hộ mới nhưng tới cuối năm ngoái, họ mới chỉ xây được có 500 căn. Dường như nguyên nhân của sự yếu kém này là do thiếu nguyên vật liệu xây dựng, thiếu năng lượng và nhân công.
- Chế độ cũng cảm thấy lo lắng trước những cuộc cách mạng ở các quốc gia Ả Rập. Do đó, bằng cách này, họ cố gắng tránh các cuộc biểu tình có thể xảy ra ở các trường đại học – Toshimitsu Shigemura, giáo sư của trường Đại học Waseda ở Tokyo nhận định.
Cách đây không lâu, Bình Nhưỡng đã nhập khẩu của Trung Quốc các thiết bị chống bạo động.
Phong trào lao động công ích khá phổ biến ở Bắc Triều Tiên, đặc biệt là vào mùa trồng cấy. Năm nay, cả nước bắt đầu đánh vật với nạn đói lớn nhất kể từ giữa thập niên 90, khi đó hàng trăm nghìn người đã chết vì đói.
Bà Katharina Zellweger, Giám đốc cơ quan viện trợ nhân đạo của chính phủ Thụy Sĩ ở Bình Nhưỡng cho biết, gần đây nhà chức trách đã cắt giảm khẩu phần lương thực tới 150 gram ngũ cốc/ ngày. Đây là khẩu phần cầm hơi vì 100g gạo chỉ cho 250-350 kcal, một người đàn ông trưởng thành cần gấp vài lần như thế.
Thậm chí ở thủ đô Bình Nhưỡng – nơi sinh sống của các công dân ưu tú và thành phần tin cậy của chế độ – cũng không được cung cấp nhiều hơn bao nhiêu. Những người không có thêm nguồn thu nhập nào dùng để mua thực phẩm trên thị trường, họ sẽ bị đói.
- Người ta có thể nhìn thấy nhiều người thu lượm rau dại hay thảo mộc trên các sườn đồi và cánh đồng – Zellweger nói. Ngày càng có nhiều nguồn tin rằng, ngay cả quân đội cũng bị bỏ đói.
Các nhà tài trợ nước ngoài không muốn gửi lương thực, thực phẩm đến Bắc Hàn vì Kim Chính Nhật không chịu từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Cũng không có gì đảm bảo rằng, viện trợ sẽ tới được tay dân nghèo, chứ không phải để nuôi gần một triệu quân lính. Theo báo cáo của một trường Đại học ở California, trong vài năm gần đây, một nửa số lương thực viện trợ gửi từ Nam Triều Tiên tới Bắc Triều Tiên được bày bán ở các chợ.