Bắt bớ và đàn áp đã không gây sợ hãi mà còn làm thanh niên Hà Nội đi biểu tình đông hơn. Ngoài số lượng người tham gia, cuộc xuống đường ngày 24/7 vòng quanh hồ Hoàn Kiếm còn đánh dấu một khởi điểm có ý nghĩa: Sự đồng thuận chống giặc Tàu đã vượt qua ranh giới chia rẽ Nam Bắc. Máu anh hùng Hoàng Sa đã hòa cùng máu liệt sĩ Trường Sa.
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
(Thơ Nguyễn Việt Chiến)
Công hàm năm 1958 của Phạm Văn Đồng là hành động xấu xa trong chính trị thì hôm nay thanh niên Hà Nội sửa nó bằng sự chân thành của lòng yêu nước. Chúng ta cùng mẹ Âu Cơ quyết đoàn kết khi bờ cõi bị xâm lăng. Chúng ta một lòng đứng lên bảo vệ đất nước. Chưa có sự đồng thuận nào vĩ đại như sự đồng thuận chống lại họa xâm lăng phương bắc.
Những biểu ngữ ghi nhận công ơn của các chiến sĩ VNCH ở Hoàng Sa trương lên tại Hà Nội là thông điệp hòa giải cho những chia rẽ vốn ám ảnh bấy lâu nay. Thật cảm động khi nhìn thấy những người trẻ cầm biểu ngữ đi giữa hàng rào dày đặc công an mật vụ.
Ảnh cố trung tá Ngụy Văn Thà được các người biểu tình mang theo như một biểu tượng anh hùng chống giặc. Họ là thanh niên lớn lên trong chế độ CS, được bảo rằng lính VNCH ngày xưa bán nước tay sai. Sự thừa nhận này là một hành động lương tri, một khởi đầu đoàn kết và một một tiếng nói không với tuyên truyền cộng sản.
Hình ảnh biểu tình chống Trung quốc ngày 24-7-2011. Các biểu ngữ ghi ơn chiến sĩ đã hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988.
Nguồn hình: http://anhbasam.files.wordpress.com
"Đáp Lời Sông Núi" một bài hùng ca của Trúc Hồ cũng được hát vang trong ngày biểu tình 12tháng 6 tại Sài Gòn. "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang cũng vang rền trong đoàn biểu tình năm 2008 chống Trung Quốc.
Nhưng những năm trước các sinh viên chỉ dám hô: "Trung Quốc không được xâm lược", thì năm nay những khẩu hiệu rõ ràng và mạnh mẽ: "Đả đảo Trung Quốc xâm lược". Sự phẫn nộ không còn kềm chế và thái độ dân chúng trở nên quyết liệt hơn.
Biểu tình tự phát trong xã hội cộng sản là việc làm không bình thường. Người dân Hà Nội đã xuống đường bất chấp sự đàn áp vừa thô bạo, vừa tinh vi. Những người bị nghi là tổ chức bị theo dõi, canh chừng và làm khó dễ. Họ bị công an đến nhà cảnh cáo ngăn chặn. Trong đoàn biểu tình công an mật vụ cũng đông không kém, chúng dí camera tận mặt chụp hình từng người đem về tổng hợp để lên danh sách theo dõi. Có lẽ việc nầy chỉ xảy ra tại Việt Nam.
Ước tính Việt Nam có khoảng 1 triệu 300 ngàn công an trên số dân 86 triệu. Cứ 66 người dân thì có 1 công an. Con số nầy ở Mỹ là 383/1; ở Anh là 364/1. Tỷ lệ cao gấp 5 lần Anh Mỹ, trong lúc thu nhập bình quân ở Việt Nam thua Mỹ 40 lần và Anh 29 lần. Tại sao phải nuôi nhiều công an trong một đất nước còn quá chật vật nhưng nổi tiếng "an ninh" trên thế giới?
Ngày xưa nhân dân bị trưng dụng làm phương tiện tranh cướp quyền lực, ngày nay nhân dân bị coi là đối tượng nguy hiểm cho quyền lực nên phải theo dõi canh chừng và nếu cần thì sẳn sàng đàn áp. Kẻ thù "số một" không còn là Pháp, Mỹ như ngày xưa, vì những nước nầy đang làm bạn, giúp đỡ làm ăn kinh tế. Kẻ thù "số một" của nhà nước cộng sản bây giờ nếu không phải là dân chúng thì chẳng ai vào đây nữa.
Công an trở thành lực lượng kiêu binh, chỉ biết "còn Đảng còn mình!" Nguồn hình: OntheNet
Công an trở thành lực lượng kiêu binh "Còn đảng còn mình", chỉ biết bảo vệ đảng còn an ninh xã hội thì bỏ mặc. Điều này rất dễ nhận ra khi đặt câu hỏi: Công an nhiều sao tình hình trật tự xã hội ngày càng trở nên tồi tệ xuống cấp?
Nhìn các bạn trẻ Hà Nội Sài Gòn xuống đường hừng hực khí thế, tôi không kềm được cảm xúc. Nếu năm 75 nhìn các chị cán bộ miền Bắc vào Nam tôi đã quyết tâm không lấy vợ, thì bây giờ nhìn cô giáo Linh, Trịnh Kim Tuyến... tôi đổi ý và muốn mình trẻ đi vài chục tuổi về cùng Sài Gòn Hà Nội xuống đường với mọi người để la hét đến khản giọng mới thôi.
Trần quang Hạ
@DCVOnline