Loạn hàng "bình ổn giá": Có dấu hiệu của tội lừa đảo (PL&XH) - Để bán được hàng, nhiều kẻ đã không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả lừa đảo người tiêu dùng. Từ khi giá cả leo thang, tinh trạng lạm phát tăng cao, cụm từ "mặt hàng bình ổn giá" được không ít cá nhân, tập thể lợi dụng để trục lợi…
Lập lờ đánh lận con đen
Trên đường Nguyễn Trãi, cách đây khoảng 2 tháng, một cửa hàng chuyên bán điện tử, điện máy treo biển quảng cáo trước cửa "bán hàng bình ổn giá". Trên phố Phùng Khắc Khoan, một cửa hàng bán quần áo thời trang cũng treo băng rôn đỏ rực "hàng bình ổn giá" mấy ngày rồi hạ xuống.
Thậm chí, một cửa hàng bán gốm sứ của mấy người nước ngoài cũng từng treo tấm bảng to "điểm bán hàng bình ổn giá" ngay trước cửa hàng… Trên nhiều tuyến phố của Thủ đô, cụm từ "hàng bình ổn giá" đã trở nên quen thuộc với rất đông người tiêu dùng nhưng không phải ai cũng hiểu bản chất của những mặt hàng này là thế nào, do đơn vị nào qui định?
Tại Centre bia trên đường Trần Duy Hưng, một nhà hàng với vô số các loại bia nổi tiếng trên thế giới được nhập về phục vụ các thượng đế lắm tiền nhưng trong menu ở một vị trí trang trọng cũng có cụm từ "loại bia bình ổn giá"?! Tại nhà hàng này PV từng chứng kiến một ông khách vừa mở cuốn menu đã quát cậu nhân viên: "Mày vứt ngay cuốn menu này đi. Đừng lừa đảo khách hàng! Ai cho phép chúng mày ghi bia là mặt hàng bình ổn giá để lừa khách?”.
Chỉ khổ cho cậu nhân viên, người cúi rạp, miệng lắp bắp thanh minh: "Dạ. Dạ thưa sếp, đấy là do quản lý của em ghi ạ. Nó là loại bia cỏ, rẻ tiền. Em xin lỗi, chắc quản lý của em cứ tưởng mọi người đều thích loại hàng hóa "bình ổn giá" nên ghi vào…"(?!)
Chị Nguyễn Thị Xuân, ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa bức xúc: "Lúc đầu tôi cũng không hiểu "hàng bình ổn giá" là gì, chỉ nghĩ chắc là hàng giá rẻ, ai bán cũng được. Gần đây, thấy nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại treo biển "điểm bán hàng bình ổn giá" quá nên mới tìm hiểu.
Thì ra đây là một chủ trương vì cuộc sống người dân của UBND TP Hà Nội. Các cơ quan chức năng của TP đã qui định một số mặt hàng thiết yếu để quản lý giá cả, tránh sự tăng giá bất ngờ gây khó khăn cho đời sống người dân và gọi những mặt hàng này là "hàng bình ổn giá". Tất nhiên, không phải ai thích treo biển "điểm bán hàng bình ổn giá" cũng được. Cứ tự tiện treo biển là vi phạm, còn treo biển "bán hàng bình ổn giá" mà giá vẫn cao ngất ngưởng là lừa đảo người tiêu dùng. Tiếc là không ít kẻ đang lợi dụng chủ trương này của UBND TP để trục lợi…".
Một điểm bán hàng "bình ổn giá" uy tín
Cần có "bàn tay sắt"
Chương trình bình ổn giá năm 2011 của TP Hà Nội qui định 10 mặt hàng thiết yếu trong danh mục "hàng bình ổn giá" gồm: Gạo tẻ thường; thịt lợn, gà; trứng gà, trứng vịt; thủy hải sản; dầu ăn; đường RE; rau củ; thực phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm, cá và cuối cùng là giấy vở học sinh. Đây là chủ trương hướng đến phục vụ người có thu nhập thấp, tập trung vào người tiêu dùng ngoại thành, các khu công nghiệp của Hà Nội. Theo đó, các cơ quan chức năng đã triển khai 561 điểm bán "hàng bình ổn giá", trong đó có 271 điểm bán được tổ chức ở khu vực ngoại thành, các chợ truyền thống và tại các khu công nghiệp.
Đối chiếu với những qui định trên của UBND TP Hà Nội, trên thị trường Thủ đô đang xuất hiện rất nhiều tổ chức, cá nhân đang "treo đầu dê bán thịt chó" tự ý treo biển "điểm bán hàng bình ổn giá" để trục lợi. Sự lợi dụng này thể hiện ở ba vấn đề: Không phải loại "hàng bình ổn giá"; không phải là đơn vị được phép bán mặt hàng này; bán giá cao hơn giá thị trường và bộc lộ dấu hiệu lừa đảo.
Một phụ nữ ĐT đến Đường dây nóng 0915544455 của báo PL&XH phản ánh: "Ngoài việc tự ý treo biển "điểm bán hàng bình ổn giá" để lừa người tiêu dùng, gần đây còn có hiện tượng một số DN bán hàng "bình ổn giá" nhưng giá còn cao hơn ở ngoài chợ khiến chúng tôi rất thất vọng! Các anh cứ đến siêu thị FiviMart Mỹ Đình sẽ rõ. Ở đó người ta bán 25,8 nghìn đồng một cân đường trong khi ở đại lý bánh kẹo gần nhà tôi bán có 23 nghìn đồng".
Theo khảo sát của PV, tại siêu thị FiviMart, chai dầu ăn đậu nành Simply loại 2 lít có giá 89,8 nghìn đồng/chai, loại 1 lít có giá 44,8 nghìn đồng /chai nhưng tại siêu thị BigC giá một chai dầu đậu nành Simply loại 1 lít có giá 42,9 nghìn đồng/chai, loại 2 lít có giá 87, 5 nghìn đồng/chai... Chính sự chênh lệch này đã khiến người tiêu dùng hoài nghi sự không trung thực của một số DN khi treo biển "điểm bán hàng bình ổn giá".
Đề nghị Sở Công thương TP Hà Nội cần kiểm tra lại các DN, các điểm bán hàng "bình ổn giá", chấn chỉnh những sai phạm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ quan CA kinh tế, quản lý thị trường cũng kiên quyết kiểm tra, xử lý nghiêm, thậm chí là xử lý hình sự những tổ chức, cá nhân lợi dụng việc "bán hàng bình ổn giá" để lừa đảo…
M.Tuấn
Theo PLXH