"Từ việc phát hiện ra chuột đá khiến tôi lại lóe lên một tia hy vọng nhỏ nhoi: Biết đâu trên đất nước này đười ươi và các động vật khác vẫn đang tồn tại chứ không phải chúng đã bị tuyệt chủng hết từ hàng vạn hàng triệu năm trước ", TS. Vũ Thế Long nói.
Ngày 5/9 vừa qua, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) cho hay đã phát hiện loài thú mang tên khoa học Laonastes aenigmamus (Jenkins, Kilpatrick, Robinson, Timmins, 2005), hay còn gọi là chuột đá, được cho là đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm ở Quảng Bình, Việt Nam.
Trước thông tin đó, phóng viên đã có cuộc trò truyện với TS Vũ Thế Long, Chuyên gia nghiên cứu về Cổ sinh học và Cổ môi trường, Hội Khảo cổ học Việt Nam, để tìm hiểu về vấn đề này.
Chuyên gia FFI, ông Nguyễn Duy Lương, và mẫu vật phát hiện từng tuyệt chủng 11 triệu năm (Ảnh: FFI)
- Thưa TS Vũ Thế Long, hiện tượng "hóa thạch sống" này được giải thích như thế nào dưới góc độ khoa học?
- Chuyện hy hữu này đôi khi cũng vẫn xảy ra. Thực tế là có một số loài vật mà tổ tiên chúng đã từng sống trên trái đất hàng triệu năm trước và người ta chỉ nhận biết được nó qua các hóa thạch, nay bỗng lại tìm thấy con cháu của nó vẫn còn sống.
Có nghĩa là, thực chất, chúng ta tưởng chuột đá đã tuyệt chủng 11 triệu năm trước nhưng không phải thế. Nó vẫn sinh con đẻ cháu và tồn tại ở Lào và Việt Nam.
Về mặt khoa học, đó là một điều lý thú. Có thể nghĩ rằng hệ sinh thái này được bảo tồn rất tốt và nó vẫn còn giữ được những nhân tố gần như tồn tại từ thời xửa thời xưa.
Bản thân tôi đã tham gia điều tra về chuyện: “Liệu còn có người rừng hay còn có con đười ươi sống trong rừng núi nước ta, trên bán đảo Đông Dương, hay chúng đã tuyệt chủng?". Từ việc phát hiện ra chuột đá khiến tôi lại lóe lên một tia hy vọng nhỏ nhoi: "Biết đâu trên đất nước này đười ươi và các động vật khác vẫn đang tồn tại chứ không phải chúng đã bị tuyệt chủng hết từ hàng vạn, hàng triệu năm trước”.
- Theo như thông tin từ người dân ở bản Ón, loài động vật này đã xuất hiện từ rất lâu, tại sao bây giờ nhà khoa học mới phát hiện được?
- Nhân dân Bản Ón sống cả đời với thiên nhiên, với môi trường đặc thù của họ. Họ gặp loài chuột này thường xuyên nên với chẳng có gì lạ.
Cũng có thể, một số nhà nghiên cứu đã từng thu thập được mẫu vật loài chuột đá nhưng họ không chuyên sâu nghiên cứu về nhóm động vật này nên có mẫu trong tay nhưng cũng không nhận ra.
Cũng có thể, không loại trừ khả năng, do nhà khoa học đi điều tra nhưng không gặp may nên không thu được mẫu mà dân vẫn thường bắt. Điều đó chứng tỏ việc điều tra chưa thật chu đáo. Nếu chu đáo hơn, trình độ nhận biết cao hơn và cả thêm cả yếu tố may mắn, có thể ta còn phát hiện ra nhiều điều thú vị hơn nữa.
- Phát hiện này có ý nghĩa gì trong khoa học nghiên cứu về sự tiến hóa, thưa Tiến sĩ?
- Đó là một may mắn cho những ai quan tâm nghiên cứu về lịch sử tiến hóa của động vật và đặc biệt của nhóm động vật này. Qua tìm hiểu về hình thái của chúng so với các hóa thạch, tìm hiểu về tập tính và điều kiện sống của nó chắc sẽ cho nhiều hiểu biết thú vị.
Trước đây người ta chỉ biết loài này qua những mẩu xương hóa thạch cách đây 11 triệu năm. Nay có cả một bầy những con vật sống thì ta sẽ có vô vàn thông tin hữu ích. Trước hết làm sao giải thích sau 11 triệu năm tưởng là tuyệt chủng nay thấy vẫn còn sống và chỉ thấy ở khu vực Quảng Bình và Lào thôi. Hẳn là môi trường và điều kiện sống của chúng có cái gì đó rất bí ẩn.
TS. Long và bộ xương đười ươi phát hiện ở Hòa Bình ước tính có niên đại trên dưới 10.000 năm trước. Nếu ai có thông tin gì về loài đười ươi hay những hóa thạch lạ có thể gửi ảnh đến cho TS.Long theo Email
vuthelong@gmail.com
- Một số nhà khoa học khẳng định, việc phát hiện ra loài động vật đặc biệt này sẽ cung cấp thêm thông tin nghiên cứu về sự tiến hóa và giả thuyết về “sự luân hồi trong sinh học”. Ông nhận định thế nào về giả thuyết này?
- Tôi nghiên cứu lịch sử con người và động vật nhưng chỉ nghe nói thuyết luân hồi trong tôn giáo thôi. Trong sinh học thì không ai nói đến luân hồi cả. Luân hồi tức là sự kế tiếp của các kiếp, sau một vòng qua đủ các kiếp có thể người ta lại trở về cái kiếp người sau khi phải qua trâu, bò, chó, ngựa… Hoặc từ kiếp này lại đầu thai thành một người khác của kiếp sau, bản thể khác nhưng phần hồn vẫn là người kiếp cũ…
Tiếc rằng có một số tờ báo không nắm rõ được vấn đề này, họ dựa vào thông báo khoa học rồi cho thêm vào cái lời bình "về kiếp luân hồi trong sinh học" khiến cho vấn đề khoa học nghiêm túc, thú vị bị méo mó sai lệch.
Ngày 5/9, tại bản Ón, Tỉnh Quảng Bình, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) cho biết, một nhóm các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện một loài thú từng tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm.
Sau khi tiến hành đánh giá kiểm tra mẫu, các thành viên tư vấn đã đưa ra kết luận ban đầu nó là loài chuột đá, có tên khoa học Laonastes aenigmamus (Jenkins, Kilpatrick, Robinson, Timmins, 2005), trước năm 2005 loài chuột đá này được cho đã tuyệt chủng.
Loài này đã từng được phát hiện ở Lào cách đây vài năm, tuy nhiên, sau đó các nhà khoa học không tìm được cá thể nào khác cho đến khi ghi nhận sự tồn tại của nó ở Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình, Việt Nam).
Lê Trang
Theo Bưu Điện Việt Nam