Giới chức New York, Mỹ hôm 1/10 bắt giữ hơn 700 người biểu tình cáo buộc "các định thế tài chính lớn hủy hoại nền kinh tế" tại cầu treo lâu đời nhất nước Mỹ, cầu Brooklyn ở trung tâm thành phố trong khi phong trào "chiếm phố Wall" lan rộng.
Theo lực lượng cảnh sát New York, việc bắt giữ này là giải pháp để khống chế đám đông và giải tỏa ách tắc giao thông sau khi đám người biểu tình phong tỏa giao thông trên cầu Brooklyn, buộc cây cầu phải đóng cửa trong vài giờ liền. Phong trào biểu tình "chiếm phố Wall", lấy cảm hứng từ phong trào mùa xuân Arab ủng hộ dân chủ bước sang tuần thứ 3 liên tiếp nhằm phản đối chính sách cứu trợ tài chính của Chính phủ Mỹ cho các ngân hàng và doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả trong khi nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn khó khăn.
Hàng ngàn người biểu tình hôm 1/10 bắt đầu diễu hành từ tổng hành dinh công viên Zuccotti ở trung tâm Manhattan rồi lan đến cầu Brooklyn với các biểu ngữ. Cả vỉa hè và làn đường dành cho xe hướng đi Brooklyn đều ngưng hoạt động, gây ra kẹt xe lớn ở khu tòa thị chính thành phố bên phía Manhattan. Nhiều người biểu tình hôm 1/10 cho rằng cảnh sát lừa họ, cho phép họ lên cầu, thậm chí là "hộ tống" họ, sau đó bất ngờ bao vây và bắt giữ họ. Tuy nhiên, người phát ngôn Sở cảnh sát New York Paul J.Browne khẳng định: "Những người tuân thủ quy định biểu tình trên lối dành cho người đi bộ không bị bắt, chỉ những người vi phạm đường giao thông, cản trở đi lại mới bị bắt giữ. Nhiều người được trả tự do không lâu sau đó".
"Chiếm lấy phố Wall" thể hiện sự bất bình trong xã hội Mỹ.
Theo kênh truyền hình TF1 (Pháp), những người tham gia phong trào "chiếm phố Wall", cam kết sẽ tiếp tục phong trào cho đến qua mùa đông, phản đối các tác động của khủng hoảng kinh tế, việc chính phủ cứu trợ ngân hàng năm 2008 và tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh 9%, cũng như phản đối đối xử bất công với những nhóm người thiểu số ở Mỹ.
Theo những người biểu tình, đây không phải cuộc biểu tình chống cảnh sát mà họ đang bảo vệ 99% dân số Mỹ chống lại 1% người giàu có nhưng lại nắm giữ phần lớn số tiền trong xã hội. Phong trào biểu tình đã phát triển đáng kể và lan sang các thành phố lớn khác trên khắp nước Mỹ trong tuần qua như Boston, Chicago và San Francisco nhằm hưởng ứng mục tiêu của cuộc biểu tình trên phố Wall. Tại trung tâm tài chính ngân hàng của Mỹ Manhattan, hàng trăm người biểu tình đã phong tỏa đường phố và làm tắc nghẽn giao thông. Trong khi đó, 24 người biểu tình khác cũng đã bị bắt giữ tại Boston vì gây mất trật tự bên ngoài khu vực văn phòng Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Trong bối cảnh cuộc biểu tình trên thế giới gần đây như ở Israel, Ấn Độ, Chile, nhất là ở châu Âu như Athens, Madrid, London thì nước Mỹ vốn chỉ thể hiện sự không hài lòng qua lá phiếu bầu không có ngoại lệ nào trước bất công, trước phân hóa giàu nghèo ngày càng không thể chấp nhận được, khi người giàu ngày càng giàu hơn, còn người nghèo ngày càng nghèo đi.
Kim Thoa
(DVO/tổng hợp)