ATACAMA DESERT, Chile - Một hệ thống vô tuyến viễn vọng, mới xây trên một vùng sa mạc cao và khô nhất thế giới ở Chile, khi chụp thử đã thu được ảnh của hai thiên hà đụng nhau, theo Wired.com.

Hệ thống ăn-ten viễn vọng vô tuyến ALMA ở vùng sa mạc Chile, gồm 66 đĩa phối hợp thành một kính viễn vọng duy nhất, sẽ hoàn tất vào năm 2013. (Hình: Martin Bernetti/AFP/Getty Images)
Hình chụp ở khu vực va chạm của thiên hà Antennae Galaxies, cách trái đất 45 triệu năm ánh sáng, cho thấy hình ảnh trước đây không thu được vì nằm ngoài visible wavelength, tức độ dài sóng nhìn thấy được trên quang phổ. Và nay nhờ hệ thống viễn vọng mới ALMA, hình ảnh thu được nhờ quan sát các sóng vô tuyến.
Trước đây các nhà thiên văn không thấy được sự hình thành của các ngôi sao ở bên trong vì bị một lớp bụi dày đặc che lấp.
Chất khí và bụi, hấp thụ ánh sáng của các ngôi sao rồi phát lại năng lượng này dưới những độ dài sóng khác nhau của ánh sáng. Tuy nhiên cũng tựa như một tấm màn dày, những đám mây bụi phân tử quá tối tăm và dày đặc khiến không một độ dài sóng của ánh sáng nào thoát ra ngoài được.
Nhưng đối với độ dài sóng của các sóng vô tuyến lại là ngoại lệ. Tương tự tấm màn hay bức thành dày không cản được sóng phát thanh, sóng vô tuyến của các ngôi sao có thể đi luồn lách qua các đám mây phân tử dày đặc, băng qua vũ trụ và bị các đài viễn vọng của con người thu được.
Ðể bắt được độ dài sóng vô tuyến của ánh sáng, toán khoa học gia và kỹ sư quốc tế thiết lập một hệ thống gồm 22 trong số 66 ăn-ten vô tuyến trị giá $1 tỉ, mỗi ăn-ten nặng gần 100 tấn và có đường kính là 40ft. Công trình sẽ hoàn tất vào năm 2013.
(TP/NV)