Kim Jong-un bắt đầu chỉ huy nội chính Triều Tiên
(VTC News) - "Thái tử" Kim Jong-un bắt đầu nắm quyền chỉ huy nội chính, để Chủ tịch Kim Jong-il dồn hết tâm trí vào các vấn đề đối ngoại như vấn đề hạt nhân, tên lửa trên bán đảo Triều Tiên.
Tờ Kyodo News (Nhật Bản) cho hay, Triều Tiên đã xây dựng cơ quan chuyên trách phụ trách việc truyền đạt và phối hợp với chỉ thị của Kim Jong-un. Cơ quan này được kì vọng sẽ là cánh tay đắc lực đưa Kim Jong-un lên vị trí lãnh đạo Triều Tiên thông qua việc giúp cậu ấm của Chủ tịch Kim tăng cường sức ảnh hưởng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ ủng hộ cũng như thúc đẩy việc thay thế nhân sự.
Cũng theo Kyodo News, cậu anh cả Kim Jong-nam từng tiết lộ: "Đến kỉ niệm tròn 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào 15/4 sang năm, việc kế nhiệm quyền lực của Kim Jong-un cơ bản sẽ hoàn thành".
Từ cuối tháng 9 năm ngoái, Kim Jong-un đã chính thức xuất hiện tại Đại hội Đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên. Hiện nay, Kim Jong-un giữ chức Ủy viên Trung ương đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương đảng và Đại tướng Quân đội nhân dân Triều Tiên.
Chính phủ Hàn Quốc nhận định rằng Kim Jong-un hiện đang nắm quyền chỉ huy quân đội và công an. Cũng có thông tin cho biết trước và sau khi Chủ tịch Kim Jong-il đến thăm Nga và Trung Quốc vào cuối tháng 8, Triều Tiên đã xây dựng bộ máy trong đó Kim Jong-un toàn diện nắm quyền nội chính. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Nhân dân Triều Tiên tại Nhật Bản đã khởi thảo văn kiện nội bộ, yêu cầu dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-il và Kim Jong-un từ tháng 9.
Ở một diễn biến liên quan, nguồn tin từ Bình Nhưỡng hôm 4/10 cho hay, Triều Tiên tỏ ra bất mãn và đưa ra bình luận chỉ trích Mỹ đã ra điều kiện khởi động lại hội nghị sáu bên một cách bất bình đẳng. Đây được coi là sự thiếu thành ý và thoái bỏ trách nhiệm khởi động đàm phán sáu bên vốn đang bế tắc.
Một bài bình luận từ Bình Nhưỡng chỉ ra, trong khi Triều Tiên chủ trương trở lại bàn đàm phán sáu bên vô điều kiện, thì phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 21/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama lại nhấn mạnh, chỉ trở lại đàm phán khi Triều Tiên có hành động cụ thể chứng tỏ ý muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân. Bình luận nhận định, việc Mỹ đơn phương đưa ra điều kiện chỉ khiến người ta cảm thấy đây là âm mưu của Mỹ nhằm đá quả bóng trách nhiệm cho Triều Tiên.
Bình luận nhấn mạnh, hội nghị sáu bên không phải của riêng Triều Tiên, cho nên, nếu chỉ một mình Triều Tiên nỗ lực thì không đủ để khởi động lại vòng đàm phán.
Cùng ngày, nhân kỉ niệm tròn 4 năm ký Tuyên ngôn về thịnh vượng, hòa bình và phát triển quan hệ Nam – Bắc Triều Tiên, phía Triều Tiên bình luận: việc ký Tuyên ngôn năm 2007 là bước phát triển trong quan hệ hai miền, sớm thực hiện cương lĩnh kim chỉ nam thống nhất tự chủ; tuy nhiên, hiện nay phía Hàn Quốc đang phủ định hoàn toàn Tuyên ngôn mang tính lịch sử này, khiến mong muốn thực hiện nguyện vọng thống nhất đất nước và phát triển quan hệ Nam – Bắc Triều Tiên gặp khó khăn.
Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm 4/10 tuyên bố, nước này chính thức hủy gói viện trợ hàng hóa cho các vùng lũ lụt của Triều Tiên do Bình Nhưỡng liên tiếp không có phản hồi gì về đề nghị viện trợ của phía Hàn Quốc.
Sau khi tỉnh Gangwon-do và tỉnh Hwanghae-do của Triều Tiên bị thiệt hại nghiêm trọng mùa hè này, phía Hàn Quốc đã cung cấp gói viện trợ trị giá 4.7 triệu USD, bao gồm thuốc men và các thực phẩm thiết yếu khác. Phía Triều Tiên hi vọng Hàn Quốc sẽ viện trợ lương thực, xi măng và các thiết bị xây dựng khác, nhưng phía Hàn Quốc đã từ chối, giữ nguyên phương án viện trợ ban đầu.
Sáng Nguyễn - Đỗ Hường
|