Dưới đây là những gia tộc giàu có nhất châu Á với các số liệu đánh giá được lấy từ Wealth-X, một công ty nghiên cứu chuyên cung cấp thông tin cho các ngân hàng tư nhân và hãng tư vấn.
Trị giá tài sản sau thuế của mỗi gia tộc được tính toán dựa trên số lượng cổ phần nắm giữ, ước tính lương tiền mặt, cổ tức và các tài sản có thể đầu tư được. Mọi gia tộc được liệt kê dưới đây có ít nhất hai người tham gia kinh doanh.
Gia tộc Ambani ở Ấn Độ - Reliance Industries & Reliance Group
|
Tài sản sau thuế ước tính 37,6 tỷ USD.
|
Ambani là gia tộc giàu có nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sáng lập Reliance Industries, công ty có cổ phiếu có thể bán và mua trên thị trường lớn nhất của Ấn Độ, với vốn thị trường là 55,6 tỷ USD.
Do văn hóa kinh doanh gia đình ở châu Á, nhiều công ty lớn nhất trong vùng là các công ty gia đình với anh em, con trai và con gái giữ một vai trò rất tích cực. Những gia đình này đã định hình toàn bộ những ngành công nghiệp ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Malaysia, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc).
Công ty Reliance do Dhirubhai Hirachand Ambani thành lập năm 1996 như một doanh nghiệp về dệt may và kể từ đó nó ngày càng quan tâm tới ngành hóa dầu,
hệ thống thông tin liên lạc và điện lực.
Câu chuyện của Dhirubhai bắt đầu một cách rất tầm thường, khởi đầu từ một công nhân rồi trở thành một nhà tài phiệt, rồi một trở thành một hình tượng ở Ấn Độ. Reliance Industries bắt đầu được niêm yết trên thị trường chứng khoán và bán cổ phiếu cho công chúng từ năm 1977. Các cuộc họp thường niên của công ty này được tổ chức ở sân vận động để chứa được rất nhiều người.
Sau khi Dhirubhai qua đời năm 2002, con trai ông là Mukesh (phải trong ảnh) và Anil Ambani đã nắm quyền lãnh đạo công việc kinh doanh của gia đình. Tuy nhiên, bất đồng anh em khiến công ty này bị phân chia vào năm 2006.
Người anh là Mukesh, 54 tuổi, nắm Reliance Industries (chuyên về tài sản dầu) còn người em Anil, 52 tuổi, hiện là chủ tịch của Reliance Group, chuyên trách trong lĩnh vực viễn thông, điện lực, y tế....
Li Ka-shing và gia đình ở Hong Kong - Cheung Kong, PCCW, Hutchison Whampoa
Tài sản sau thuế ước tính là 32 tỷ USD.
Li Ka-shing được coi là một trong những ông trùm kinh doanh quyền lực nhất ở châu Á và công ty của ông này có vốn thị trường là 92 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Hong Kong.
Với một khởi đầu khá khiêm tốn, ông trùm kinh doanh người Trung Quốc đã bỏ học từ năm 12 tuổi và rời đại lục để tới Hong Kong cùng gia đình vào năm 1928. Sau khi làm việc tại một nhà máy nhựa, ông Ka-shing (ảnh-phải) bắt đầu công việc kinh doanh nhựa của riêng mình vào năm 22 tuổi và hiện giờ đó là Cheung Kong Industries - một trong những công ty đầu tư bất động sản hàng đầu của Hong Kong.
Công ty này bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán vào 1972 và tiếp tục mở rộng, mua lại Hutchison Whampoa và Hong Kong Electric cũng như nhiều công ty khác. Hoạt động kinh doanh của Ka-sing rất đa dạng, từ vận chuyển tới viễn thông và công nghệ sinh học. Địa bàn hoạt động của công ty là Trung Quốc, Anh và Australia. Hai con trai của ông Ka-shing là Victor Tzar Kuoi 47 tuổi, và Richard Tzar Kai Li, 44 tuổi, là những doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực của họ.
Victor điều hành Cheung Kong, Hutichson Whampoa, và KC Life Sciences, được coi là người kế thừa cha trong khi Richard là chủ tịch công ty viễn thông PCCW.
Danh tiếng của Ka-shing, 83 tuổi, trong kinh doanh đã khiến giới truyền thông địa phương gán cho bí danh "siêu nhân". Tháng 8, nhà tài phiệt này đã trở thành cái tên được nhắc tới nhiều trên các trang báo khi thông báo việc thâu tóm một công ty của Anh. Ông này đồng ý mua công ty dịch vụ công cộng Northumbrian với giá 3,8 tỷ USD.
Lakshmi Narayan Mittal & gia đình, người Ấn Độ - ArcelorMittal
Tài sản sau thuế ước tính là 28 tỷ USD.
Lakshmi Narayan Mittal là người sáng lập ArcelorMittal - công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới. Mittal cũng được coi là người đàn ông giàu thứ 6 thế giới, theo tạp chí Forbes.
Nhà tài phiệt thép 61 tuổi này thành lập công ty Mittal Steel năm 1989. Công ty này sáp nhập với Arcelor năm 2006 để lập nên tập đoàn hiện nay đóng tại Luxembourg. Mittal (ảnh - trái) hiện là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn, sở hữu 40% cổ phần. Các thành viên khác trong gia đình cũng tham gia kinh doanh gồm con trai kiêm người thừa kế của ông này là Aditya và con gái Vanisha (phải trong ảnh) là 1 trong số 11 thành viên ban điều hành.
Gia tộc này vẫn đang bành trướng các hoạt động kinh doanh khắp toàn cầu. ArcelorMittal gần đây đã hợp lực với tập đoàn than của Mỹ là Peabody để mua 60% cổ phần của công ty sản xuất than cốc lớn nhất thế giới Macarthur Coal với giá 5 tỷ USD.
Gia tộc Kwok ở Hong Kong - Công ty bất động sản Sun Hung Kai
Tài sản sau thuế là 22 tỷ USD.
Gia tộc Kwok sáng lập công ty Sun Hung Kai - công ty phát triển địa ốc lớn nhất châu Á về trị giá thị trường.
Công ty được một doanh nhân Trung Quốc đại lục là Tak Seng Kwok và các đối tác Fung King Hey và Lee Shau Kee thành lập năm 1963. Vốn thị trường của công ty hiện là 34,25 tỷ USD. Tak Seng qua đời năm 1990 và để lại gia sản cho vợ và ba con trai cai quản. Hiện nay, công ty này tiếp tục làm ăn phát đạt do thị trường bất động sản Hong Kong và Trung Quốc đại lục vẫn phát triển nóng.
Theo Pháp luật TPHCM