Nga và Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách ngăn cản kế hoạch tăng cường trừng phạt Iran của phương Tây.
Theo
Reuters, bản báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), dự kiến được công bố vào tuần sau, chỉ ra rằng, các thông tin tình báo cho thấy có yếu tố quân sự trong chương trình hạt nhân của Iran song không trực tiếp khẳng định, Tehran đang phát triển vũ khí hạt nhân.
Các đặc phái viên của phương Tây hy vọng, những phát hiện mới của IAEA mà họ mô tả là chứng cứ buộc tội Iran có thể giúp làm tăng sức ép đối với Tehran, buộc quốc gia Hồi giáo này từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.
|
Báo cáo mới nhất của IAEA cho thấy chứng cứ về yếu tố quân sự trong chương trình hạt nhân Iran. Ảnh minh họa: shibarandas.com. |
Trái lại, Moscow và Bắc Kinh bày tỏ quan ngại trước nội dung bản báo cáo này; đồng thời khẳng định, động thái này có thể dập tắt cơ hội giải quyết vấn đề này bằng con đường ngoại giao và châm ngòi cho cuộc xung đột mới tại Trung Đông.
“Nga đang đẩy mạnh nỗ lực vận động hành lang của mình”, một nhà ngoại giao phương Tây cho hay.
Cũng theo nhà ngoại giao này, để “chặn đầu” Moscow, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano sẽ nhanh chóng gửi bản báo cáo mới nhất của cơ quan này đến các quốc gia thành viên trước cuộc họp ngày 17-18/11.
Tuy nhiên, dù thế nào thì các nước phương Tây cũng sẽ phải đối mặt với một tình thế khó khăn: thuyết phục Nga và Trung Quốc ủng hộ các biện pháp cứng rắn chống lại Iran như trình nghị quyết của IAEA nhằm đưa Iran ra Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc giống năm 2006.
“Nếu không có sự nhất trí của Nga và Trung Quốc, IAEA khó có thể đưa ra nghị quyết chống lại Iran”, chuyên gia hạt nhân Mark Hibbs nhấn mạnh.
|
Giới phân tích cho rằng, Nga và Trung Quốc có thể cản trở mọi nỗ lực của IAEA nhằm đưa ra các biện pháp cứng rắn đối với Iran. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Peter Crail, một chuyên gia tại Hiệp hội kiểm soát vũ khí có trụ sở tại Washington cho rằng, rất có thể Nga không phản đối những chứng cứ mà bản báo cáo của IAEA đưa ra về yếu tố quân sự trong chương trình hạt nhân của Iran song sẽ kịch liệt phản đối việc công khai báo cáo này.
“Moscow biết rõ rằng, báo cáo chi tiết về bước phát triển trong chương trình hạt nhân của Iran cần được Đại hội đồng IAEA thông qua, bằng cách có được sự nhất trí của đa số các thành viên. Tuy nhiên, chắc chắn Nga và Trung Quốc sẽ phủ quyết bất cứ nỗ lực nào nhằm đưa bản báo cáo này lên Hội đồng bảo an”, ông Peter Crail nhận định.
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Oliver Thraenert tại Viện nghiên cứu An ninh quốc tế Đức cho rằng, bản thân ông nhận thấy tốt hơn hết là Hội đồng bảo an nên đưa ra các biện pháp trừng phạt khác đối với Iran. Tuy nhiên, ông có linh cảm là Nga và Trung Quốc sẽ không thể để cho việc này diễn ra.
Theo
Reuters, trước kế hoạch phản kháng của Nga và Trung Quốc, thay vì đưa bản báo cáo lên Hội đồng bảo an, các nhà ngoại giao phương Tây có thể tính đến khả năng đưa ra nghị quyết của IAEA nhằm cho Iran thời hạn đến khi cuộc họp tiếp theo của Ban điều hành IAEA diễn ra vào đầu năm 2012, quốc gia Hồi giáo phải giải đáp mọi nghi vấn được nêu ra trong bản báo cáo mới nhất về chương trình hạt nhân của nước này.
“Nếu Iran không thể hoàn thành công việc giải đáp trong thời hạn đó thì Nga và Trung Quốc cũng khó có thể mà ra tay cứu giúp và ngăn chặn những biện pháp cứng rắn tiếp theo của IAEA”, chuyên gia hạt nhân Mark Hibbs khẳng định.
Chia sẻ qua:
Theo Đất Việt