Dễ thích nghi, lịch sự và không gây rắc rối, đó là cách suy nghĩ của đại đa số người Séc về các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua. Gần đây những ưu ái trên dường như đột nhiên đã bị xoá bỏ.

Cổng chính TTTM Sapa, ảnh:pragueout.
Thay vào đó, một số chính trị gia và doanh nghiệp gần đây đã làm nóng lên các vấn đề về người Việt Nam mà chủ yếu nhằm vào chợ Sapa. Ngoài việc lậu thuế, tội phạm có tổ chức và ma túy, mới đây chủ tịch Hội công nghiệp và thương mại Zdeněk Juračka còn nhấn mạnh rằng những quầy tạp phẩm Việt Nam có thể xóa sổ các cửa hàng của người bản địa ở những vùng quê.“Chúng gia tăng như trải thảm ở tất cả các vùng miền“, Juračka nêu bật mối nguy hiểm.
Liệu sự chỉ trích có đúng chỗ? Khía cạnh hình sự hãy để ban phòng chống tội phạm tìm câu trả lời. Trong khi các thông tin tình báo là bí mật, thị trưởng Praha Bohuslav Svoboda không coi Sapa là mối nguy hiểm.
Tykač: Tôi không quan tâm tới đất đai

Pavel Tykač, ảnh: Lidovky.
Theo chủ tịch Hội Séc-Việt Marcel Winter, các nhà đầu tư đang nhòm ngó mảnh đất mà chợ Sapa đang nằm trên đó và các vấn đề như rửa tiền và buôn bán ma tuý tại đây đã được dựng lên một cách giả tạo.
Ai trong số người Séc muốn mảnh đất đó? “Người Việt Nam cho tôi biết, đó là Tykač”, ông Marcel Winter nêu tên tỷ phú đồng thời là chủ sở hữu tập đoàn Czech Coal. Nhưng Jan Chudomel, đại diện của Pavel Tykač đã lên tiếng phủ nhận những thông tin trên. Kể cả những nhà đầu tư theo ông Winter đã ra giá 1 tỷ korun cho Sapa đều không lên tiếng.
Chỉ riêng vấn đề lậu thuế là được bàn định rõ hơn. Theo Juračka từ Hội công nghiệp và thương mại, các quầy tạp phẩm của người Việt trụ được là vì “không quan tâm đến bất cứu một lệ phí hay nghĩa vụ nào đối với nhà nước”.
Lý do tại sao đại diện các doanh nghiệp Séc khiếu nại về nền kinh tế xám của người Việt tất nhiên là xuất phát từ sự cạnh tranh. Các doanh nhân châu Á đã kiểm soát được một loạt công ty lớn, nhưng sức mạnh chính của họ vẫn nằm trong thị trường bán lẻ. Juračka cũng từng cho biết họ đang mở rộng sự bành trướng của mình một cách nhanh chóng và sở hữu tới 20 nghìn cửa hàng trên toàn Séc.
Đối thủ cạnh tranh quá chăm chỉ
Việc truy tố những người trốn thuế là đúng đắn, cho dù họ là cộng đồng thiểu số hay người bản địa. Nhưng nếu các nghi ngờ về người Việt là những người trốn thuế giỏi nhất được chứng minh, thì cũng không giúp gì cho các hợp tác xã tiêu dùng Séc. Lý do cho sự thành công của người Việt nằm ở chỗ khác.

Các cửa hàng tạp phẩm Việt Nam, ảnh: migration4media.
Cũng như việc không ai có thể tưởng tượng được ngành xây dựng hay nông nghiệp tại CH Séc có thể thiếu các lao động tới từ Ukraina, các cửa hàng bán lẻ của người Việt đã chiếm được một vị trí đặc biệt quan trọng. Đó là những công việc mà người Séc đều không muốn làm, họ không thể mỉm cười với khách hàng từ sáng tới tối mịt, kể cả các ngày nghỉ cuối tuần hay lượn qua các siêu thị lớn mua hàng hạ giá trong “thời gian rảnh rỗi“ và không đi nghỉ mát.
Hơn nữa, sự mất vị thế của người Séc cũng là do chính họ. Các chuỗi cửa hàng đa quốc gia cộng với thị trường mở những năm 90 đã mang đến văn hoá kinh doanh hiện đại và cả sự đa dạng về mặt hàng hoá, điều mà dưới nền xã hội chủ nghĩa không ai mơ ước tới. Tuy nhiên, sự xuất hiện của mạng lưới siêu thị khổng lồ trên thực tế đã giết chết các quầy hàng thực phẩm, dệt may và hàng tiêu dùng, mà chính các ủy ban hành chính địa phương đã cấp phép xây dựng các cửa hàng lớn nói trên.
Và người Việt Nam đã có mặt kịp thời để lấp đầy các lỗ hổng này trên thị trường. Thậm chí họ không cần đúng nơi đúng chỗ như nhiều các doanh nghiệp bản địa. Cùng với sự chịu khó như đã được đề cập tới, họ chỉ cần thêm 2 điều, đó là am hiểu thị trường và sự gắn kết cộng đồng. Trong khi các chuỗi cửa hàng đa quốc gia đang tạo ra mạng lưới dựa theo hợp đồng, các doanh nghiệp Việt Nam có mạng lưới tương tự nhưng không hình thức, dựa trên sự gắn hết cộng đồng.
Cho dù Sapa có bị phát hiện ra những tội phạm bí mật thì cũng không thể ngăn cản sự bùng nổ của người Việt.
Tác giả: Martin Mařík – iHned
Dịch: Ngọc Minh – vietinfo.eu