Khi được hỏi: “Con muốn sống với ai?”, hai đứa trẻ lên 5 và 8 tuổi đều chỉ có câu trả lời duy nhất: “Con muốn sống nơi nào có cả ba mẹ và chị (em)”...
Tòa tuyên án. Thư ký phiên tòa gọi nguyên đơn, bị đơn vào phòng. Một bé gái khoảng 4-5 tuổi cứ ôm riết lấy cổ cha, không chịu ngồi một mình ngoài ghế đá. Buộc lòng HĐXX chấp nhận cho bé cùng vào.
Ngồi giữa cha và mẹ, thỉnh thoảng cô bé đưa tay khều nhẹ cha, mỉm cười rồi lại quay sang gọi khẽ mẹ. Nhưng rồi nước mắt đã nhòe nhoẹt trên khuôn mặt ngây thơ mới đây còn tràn đầy hạnh phúc ấy khi cha bé lớn tiếng mắng chửi HĐXX, còn mẹ bé điện thoại cầu cứu người thân.
***
“Hai năm trước, đột nhiên một ngày mẹ đưa bé rời khỏi nhà trong tiếng khóc rấm rứt của chị Hai và ánh mắt quắc lên đầy tức giận của ba. Kể từ đó, bé không còn được sống cùng ba, chị Hai và bà nội. Có những lúc nhớ mọi người quá, bé khóc nằng nặc đòi về nhưng mẹ nói: “Con về đó, ba bỏ thuốc độc, bóp cổ con chết”. Bé sợ lắm. Có điều, bé thấy ba thương bé và chị Hai mà. Những lúc rảnh, ba thường chở hai chị em đi chơi, đi ăn và mua đồ chơi. Vậy nên bé khóc, không chịu ăn uống, buộc lòng mẹ phải gọi điện thoại để bé nói chuyện với ba và chị Hai.
Ba hỏi bé có nhớ ba không? Có phải bé và mẹ đang sống với ba mới? Bé có bị ba mới đánh đòn? Rồi ba nói những điều không tốt về mẹ. Bé thật sự không hiểu vì sao ở bên mẹ thì nghe mẹ nói xấu ba, nói chuyện với ba thì nghe kể tội mẹ. Bé chỉ thấy cả ba và mẹ đều là những người thân yêu nhất, thương bé nhất, như trong một bài hát: “Ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con...”.
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Thỉnh thoảng, bà nội đưa chị Hai đến thăm mẹ và bé. Gặp nhau, hai chị em mừng lắm, nói đủ thứ chuyện. Những lúc đó, suốt đêm, ba mẹ con không ngủ. Chị Hai đòi nằm giữa bé và mẹ, hết ôm mẹ, chị lại quay sang ôm bé. Chị nói không dám ngủ vì sợ khi tỉnh dậy sẽ không được ở bên mẹ và bé.
Bé cũng vậy, bé chỉ mong trời lâu sáng để được nằm bên chị lâu hơn. Mỗi lần chia tay, chị Hai khóc, không chịu về. Chị bám vào bất cứ cái gì có thể, từ chiếc ghế đến tay vịn cầu thang. Bà nội phải khó khăn lắm mới gỡ được tay chị đưa về, nếu không lần sau ba không cho gặp nữa.
Thật tội cho chị Hai, không có mẹ bên cạnh, ba lại đi công trình hoài, chỉ có bà nội chăm sóc và đưa đón chị đi học. Có những lúc bà đến đón trễ, chị Hai một mình kéo lê chiếc cặp từ trên cầu thang xuống, nước mắt chảy dài vì tủi thân khi nhìn thấy bạn bè có cha, có mẹ. Thấy vậy, bà nội chỉ biết ôm chị mà khóc.
Cô giáo nói chị Hai nhớ mẹ và bé nên chiều nào cũng ra cửa ngồi khóc, học hành sa sút, biếng ăn, ít hòa đồng. Mấy hôm trước, mẹ nói sẽ đưa chị Hai về sống luôn cùng hai mẹ con bé. Bé vui lắm nhưng còn ba thì sao? Bé và chị Hai chỉ có ước muốn duy nhất được sống cùng ba mẹ như ngày nào. Người lớn nói không thể được, bé không hiểu vì sao? Ba mẹ là của chị em bé mà?”.
***
Đó là những lời tôi nói thay cô bé từ những gì xảy ra tại tòa và lời kể của những người trong cuộc. Hôm ấy, bé đứng bơ vơ giữa phòng xử án, hết sợ hãi nhìn mẹ đang vừa khóc vừa cầu cứu qua điện thoại, lại chạy ra cửa len lén nhìn cha đang la lối ở phía trước. Không đành lòng, tôi ôm lấy bé vỗ về.
Như một người kiệt sức đang bơi giữa dòng nước xiết, bé bấu chặt lấy tôi, gương mặt tái xanh, thân hình run rẩy. Phải một lúc sau, bé mới thỏ thẻ: “Dì ơi, ba đâu có la con, la mẹ phải không? Ba la mấy người đó dì hả?”. Tôi gật đầu: “Con ngoan vầy, ba đâu có la con”, “Sao mẹ khóc hả dì? Sao mấy người đó đi rồi mà ba la hoài vậy?”. Tôi chưa kịp tìm ra câu trả lời thích hợp, cha của bé đã bước vào lớn tiếng: “Tôi lên trường bây giờ. Cô đừng có mơ là đưa được con tôi đi. Tôi không sợ quyết định của tòa đâu”.
Nhìn anh ta lúc này, tôi bỗng hình dung đến vẻ mặt sợ sệt, bất an của chị cô bé nếu nhìn thấy cha đến trường đón trong trạng thái giận dữ như thế. Rồi đây, chuyện gì sẽ xảy ra với hai đứa trẻ tội nghiệp ấy nếu hai người lớn chỉ vì muốn ăn thua đủ mà quên đi cảm xúc của các con mình?
Đặt quyền lợi của trẻ lên trên lòng tự ái
HĐXX nhận định hai cháu bé luôn mong muốn có cha mẹ, chị em sống cùng nhau. Tuy nhiên, giữa nguyên đơn, bị đơn tồn tại mâu thuẫn sâu sắc, thậm chí thù hận không dễ xóa đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tình cảm của các cháu.
Bé gái lớn (hiện đang ở với cha) có tiền sử viêm màng não, sức khỏe kém, thể trạng ốm yếu, tâm lý hòa nhập có hạn chế trong khi vì công việc, người cha phải nhờ bà nội chăm sóc cháu. Điều này dẫu không sai nhưng cũng không phải là tốt nhất. Nên để người mẹ làm việc này sẽ bảo đảm cho bé phát triển tốt hơn về thể chất và tâm sinh lý.
HĐXX chấp nhận yêu cầu xin thay đổi người trực tiếp nuôi con của nguyên đơn, giao cả hai trẻ gái cho người mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng...
Trước đó, HĐXX đã dành nhiều thời gian để lắng nghe, hòa giải và phân tích cho cả hai bên. “Việc cha mẹ chia tay đã để lại tổn thương không nhỏ trong lòng trẻ, nay tách hai bé sống hai nơi trong bầu không khí nặng nề, không có sự đùm bọc, nâng đỡ nhau, liệu có quá nghiệt ngã?
Người lớn có lỗi vì không làm hết trách nhiệm, đem đến cho con nỗi đau và sự mất mát. Bây giờ để thỏa mãn cái tôi lại không tiếc lời nói xấu nhau trước mặt con trẻ, dồn nén mọi bực tức của nhau cho con trẻ.
Các vị đừng nói xấu nhau nữa, hãy nói tốt về nhau, dẹp bỏ tự ái, tìm cách tốt nhất bảo đảm cho trẻ được sống hạnh phúc và ít bị tổn thương nhất trong điều kiện không giữ được một gia đình vẹn toàn.
Hãy nhớ, tất cả trẻ em đều khao khát được sống cùng cha mẹ, anh chị em và không ai có thể thay thế vị trí làm cha, làm mẹ trong lòng con trẻ”.
|