Người đàn ông 46 tuổi bị sốt, ho nhưng không đi khám. Tới khi có dấu hiệu khó thở thì tới viện nhưng đã không thể cứu chữa.
Người đàn ông bị tử vong do cúm A/H1H1 năm nay 46 tuổi quê Văn Yên, Yên Bái. Trong buổi làm việc cùng Sở Y tế Hà Nội sáng 5/4, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, cho biết người bệnh đã tử vong trước đó vài ngày.
Bệnh nhân nhập Viện Nhiệt đới trung ương ngày 28/3 trong tình trạng suy hô hấp nặng. Người nhà bệnh nhân cho hay, anh này có sức khỏe tốt, trước khi nhập viện 7 ngày bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt nhưng vẫn không đi khám. Sau 4 ngày có hiện tượng khó thở tăng dần mới tới viện. Khi được chuyển tới Viện Nhiệt đới thì bệnh nhân đã suy hô hấp, dù được thở máy, dùng tamiflu nhưng diễn biến bệnh ngày càng xấu đi và bệnh nhân đã tử vong sau hai ngày nằm viện.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương), nếu bệnh nhân ở Yên Bái đến viện sớm hơn, được sử dụng thuốc tamiflu sớm hơn thì có thể đã có một tiên lượng tốt hơn. Vì thế, tất cả mọi người khi có biểu hiện cúm không được chủ quan mà nên được tư vấn, theo dõi điều trị ở cơ sở y tế gần nhất. Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nói, các ca nhiễm cúm thông thường đều có biểu hiện ho, sốt cao, khó thở, viêm đường hô hấp, mệt mỏi, đau đầu… Bệnh nhân phần lớn là tự khỏi nhưng vẫn có một tỉ lệ nhất định diễn biến nặng thêm, gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp đe dọa tính mạng người bệnh.
Cúm A/H1N1 có nguồn gốc từ lợn, bùng phát vào năm 2009, có tốc độ lây lan rộng. Tại Việt Nam, hàng nghìn người đã nhiễm virus cúm và hơn 50 người tử vong. Trên thế giới, đã có khoảng 200 nghìn người chết vì dịch cúm này. Đến nay, virus cúm H1N1 lưu hành giống như như cúm mùa thông thường.
Cúm là bệnh dễ mắc với nhiều người. Để chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình, người dân khi thấy có biểu hiện của cúm như sốt, ho, mệt mỏi, đau đầu… cần đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị. Để bảo vệ sức khỏe của mình, người dân phòng tránh bằng cách vệ sinh sạch sẽ, rửa tay xà phòng, hạn chế tiếp xúc người nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.
Trong khi cúm A/H7N9 đang là tâm điểm chú ý ở Trung Quốc, các chuyên gia y tế cảnh báo người dân nên chủ động phòng bệnh, tránh tiếp xúc với gà, lợn bị bệnh chết. Nếu phải tiếp xúc với gia cầm bệnh mà có biểu hiện bất thường về sức khỏe, cần đến cơ sở y tế ngay để được tư vấn, khám và điều trị.
Mai phương
Theo Infonet