Mở tivi giờ vàng vẫn thấy clip Kakao Talk tràn ngập, Line phủ kín quảng cáo các báo mạng và treo khuyến mại mỗi ngày một chiếc Vespa… nhưng cuộc đua của 2 ứng dụng ngoại với Zalo đã đi đến hồi kết.
Cuộc đua ứng dụng nhắn tin miễn phí đã gần đến hồi kết.
Nếu mở các trang báo mạng thời gian gần đây, người xem có thể thấy hình ảnh của Line ở khắp mọi nơi. Đây là chưa kể đến việc Line còn cho quay số trúng thưởng mỗi ngày một chiếc Vespa LX125 cho khách hàng tải ứng dụng lần đầu. Còn nếu mở tivi vào giờ vàng hoặc ở giữa những chương trình truyền hình thực tế cực hot thì quảng cáo của Kakao Talk vẫn tràn ngập.
Trong khi đó, Zalo lại tập trung vào việc tham gia vào chương trình mang ý nghĩa chính trị, xã hội lớn. Bên cạnh đó ứng dụng nhắn tin thuần Việt cũng tích cực ra mắt các tính năng mới như QR Code hay sắp tới đây là tính năng thoại…
Nhìn vào hình ảnh xuất hiện của các ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) trên truyền thông, người ta có thể hình dung rằng cuộc đua vẫn diễn ra rất quyết liệt. Trên thực tế, nhìn vào 2 bảng xếp hạng của App Store và Google Play tại Việt Nam thì một bức tranh hoàn toàn khác đã được thiết lập.
Trên cả 2 bảng xếp hạng này, Zalo giữ vị trí thống trị tuyệt đối dù không còn phát clip trên truyền hình và quảng cáo trên báo mạng đã giảm nhiều. Trong khi đó, dù quảng cáo “điên cuồng” trên báo mạng, truyền hình, thậm chí treo thưởng cực lớn mỗi ngày, Line và Kakao Talk chỉ có thể lẽo đẽo theo sau Zalo ở bảng xếp hạng App Store; còn với Google Play (những khách hàng dùng điện thoại Android), khoảng cách giữa 2 ứng dụng ngoại và Zalo là quá lớn (kém cả chục bậc) trong khi đây là nhóm người dùng tải ứng dụng nhắn tin miễn phí nhiều nhất.
Bảng xếp hạng dowload ứng dụng Communication trên Google Play dành cho smartphone chạy hệ điều hành Android.
Tuy nhiên, bức tranh về cuộc chiến của các OTT còn rõ ràng hơn với việc Zalo có hơn 20 triệu tin nhắn được gửi đi qua ứng dụng này mỗi ngày, còn 2 OTT ngoại chưa từng công bố về con số SMS tương tự. Chưa hết, nhiều sao Việt như Đàm Vĩnh Hưng, Nguyễn Hồng Thuận.. xem Zalo như là một công cụ cực kỳ hữu hiệu giúp họ tiếp cận với fan. Họ đã coi nó là một phần không thể thiếu trong nghề nghiệp của mình.
Cũng bởi trào lưu nhà nhà dùng Zalo, người người dùng Zalo nên con số lượt tải Line hoặc Kakao Talk vốn đã thấp hơn còn thêm hiệu ứng ít dùng thực tế bởi nếu xung quanh ai cũng dùng ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt thì dùng OTT ngoại sẽ nhắn với ai? Điều này cộng với việc vùng phủ sóng của các ứng dụng ngoại hạn hẹp hơn (chỉ hoạt động nơi có sóng 3G hoặc Wifi chứ không chạy được trên mạng 2G hoặc 2,5G) dẫn tới việc tỷ lệ người dùng thường xuyên khó có thể cải thiện.
Khi Zalo đạt 2 triệu người dùng - cột mốc giúp OTT có khả năng bùng nổ và phát tán tự nhiên như Facebook, ông Vương Quang Khải – Phó tổng giám đốc Công ty VNG (Trưởng dự án Zalo) nói rằng: “Tất cả mới chỉ bắt đầu và cơ hội vẫn còn cho tất cả các sản phẩm. Mục tiêu tiếp theo của Zalo là 5 triệu người dùng”. Thực tế, kể từ sau khi Zalo đạt cột mốc này, cơ hội chiến thắng của những OTT ngoại đã trở nên rất mong manh. Việc bị Zalo thống trị trên bảng xếp hạng App Store cũng như Google Play bất chấp Line, Kakao Talk quảng cáo ồ ạt trên truyền hình và khuyến mại cực khủng là một minh chứng rõ ràng.
Hiện tại, cuộc đua OTT sẽ tiếp tục nóng trên mặt trận quảng cáo, khuyến mại nhưng một cú lội ngược dòng ngoạn mục như từng xảy ra vào đầu năm 2013 (bước nhảy vọt của Zalo trên bảng xếp hạng của App Store Việt Nam) sẽ cần đến phép màu. Với Zalo, vế thứ hai trong phần phát biểu của ông Vương Quang Khải có khả năng trở thành hiện thực (đạt mốc 5 triệu người dùng), còn ý đầu tiên dường như không còn chính xác.
H.L