Càng cận tết bánh mứt càng tràn lan khắp siêu thị và các chợ. Loại nào cũng có, mua bao nhiêu cũng sẵn. Giữa đông ken các loại thực phẩm sắc màu bắt mắt, bỗng nhớ món mứt dừa giản dị ở quê nhà.
Mứt dừa là món quà tết quen thuộc nhất của bọn tôi ngày còn nhỏ. Hồi đó, quãng chiều hăm chín hoặc ba mươi tết, làm gì thì làm bận mấy thì bận, những bà mẹ quê vẫn nhín chút thời gian để xên mứt cho lũ trẻ mừng. Nhà tôi cũng vậy. Chỉ cần nhìn thấy ba tôi lui cui cột móc sắt vào một đầu cái sào dài và đứng dưới gốc dừa, bọn nhỏ không ai bảo ai đều sáng mắt đầy háo hức.
Trái dừa nhà, cơm trắng đục và dày cui, mới nhìn thôi đã hấp dẫn. Khoảng ba bốn trái dừa khô là xên được gần chục chảo mứt ngon lành. Dừa hái xuống, lột bỏ vỏ ngoài, cạo sạch những miếng xơ cho thật trơn tru, rồi dùng sống dao phay gõ đều lên trái để khi nạy dễ tróc cơm. Bổ đôi trái dừa, tách cơm khỏi vỏ - riêng công đoạn này phải thật khéo tay thì mới được miếng cơm dừa còn nguyên, nếu không thì nạy đâu nát đó cho ra chảo mứt lụn vụn.
Năm nào cũng vậy, ba tôi rất vui vẻ làm hết thảy những phần việc kể trên, rồi mới “bàn giao” cho mẹ. Múc một thau nước to, mẹ rửa từng miếng dừa sạch sẽ, vớt ra để ráo nước rồi dùng dao bào thành từng miếng mỏng, dài. Trước đó, mẹ đã chuẩn bị một lon sữa đặc, ký đường và ít ống vani. Mẹ chia lượng cơm dừa ra thành những phần vừa phải, mỗi phần gọn gàng cho một lần xên mứt. Cần ước lượng để chia cho hợp lý, bởi nếu ít dừa quá thì thất công, mà nhiều quá đảo mứt không kịp rất dễ bị khét đường.
Nói đến đây chợt nghĩ tới những miếng mứt đậm màu xanh đỏ người ta thường bày bán. Khi còn con nít, ưa màu sắc, thấy sao chỗ khác có mứt dừa nhiều màu đẹp như thế, còn chảo mứt nhà mình năm nào như năm nấy, chỉ một màu trắng của dừa. Tới khi lớn lên, biết cái gì là độc, là phẩm màu trôi nổi, thì mới biết quý những miếng mứt đơn sơ trong nhà bếp ở tít quê xa. Thời bây giờ, người ta bày thêm chuyện xên mứt dừa non bên cạnh mứt dừa khô, lại nhớ hồi nhỏ chúng tôi rất phí phạm. Tuy đã mọc răng đầy đủ nhưng ăn nhiều quá nên có lúc cũng làm biếng nhai, chỉ ngậm miếng mứt dừa trong miệng, đợi nuốt hết nước đường sữa là phun bỏ xác dừa. Ăn kiểu như vậy thường bị người lớn la, rồi lấy hũ mứt đem cất đợi lúc nào bọn nhỏ thật thèm mới đem cho lại...
Gần hai mươi năm trôi qua, thời gian đủ cho con nít trưởng thành, và bậc làm cha mẹ mái đầu điểm bạc. Nhưng bếp quê còn đó, ba mẹ vẫn đều đặn làm mứt, để dành đón con cháu đi làm ăn xa tề tựu khi năm hết xuân về. Quây quần bên nhau và cười rũ với thằng nhóc ba tuổi trong nhà vốn rất kén ăn. Thường khi chỉ một chén cơm thôi, muốn nó ăn hết phải rượt chạy mấy vòng, la lối một hồi còn chưa chắc xong nhiệm vụ. Ấy vậy mà chìa bịch mứt dừa ra trước mặt, nó lủm một cọng, nhai nuốt nghiêm chỉnh chứ không len lén phun ra như chúng tôi hồi trước. Nhai xong một cọng, nó liếm mép lấy thêm cọng nữa, rồi cọng nữa, rồi “đưa con cầm cho” - giơ tay đòi ôm nguyên bịch mứt. Thằng anh năm tuổi phồng má cản: “Đừng đưa nó, nó sẽ ăn hết đó”. Cứ thế, hai anh em chí chóe tranh nhau, vô tình lôi kéo tâm trí người lớn trở về những ngày trong trẻo xa xưa. Ở nơi đó cũng đầy ắp hương vị ngọt ngào của mứt dừa quê giản dị.
Tri thức trẻ