Khi thể hiện những tác phẩm nghệ thuật kinh điển trước công chúng là lúc những nghệ sĩ phải rất cẩn trọng. Lí do là chỉ một sai lầm nhỏ thôi cũng có thể khiến họ nhận những lời chỉ trích nặng nề từ dư luận. Dưới đây là những sao Việt từng vướng phải tình cảnh chớ trêu ấy.
Mỹ Linh
Cách đây chưa lâu, nữ ca sĩ Mỹ Linh có vinh dự tham gia sự kiện ở trung tâm hội nghị Quốc gia để hát Quốc ca trước Tổng thống Mĩ Obama và nhiều quan khách.
Xuất hiện trên sân khấu với tà áo dài nền nã, Mỹ Linh say sưa thể hiện ca khúc vốn quen thuộc theo phong cách mới lạ.
Tuy nhiên, do là thử nghiệm mới với cách hát opera, lại không có nhạc nền, nên phần trình diễn của Mỹ Linh dù được cho là cố gắng và chuẩn kĩ thuật nhưng lại chưa nhận được sự đồng tình của khán giả. Ngoài những lời khen dành cho sự nỗ lực của nữ diva để có màn biểu diễn đẹp, khoe được chất giọng thiên phú khi không dàn nhạc đêm và chỉ hát một mình, có không ít ý kiến trái chiều từ dư luận lên án, chỉ trích cô vì "bôi nhọ" ca khúc mang tầm Quốc gia.
Một số khán giả cho rằng cách hát như vậy chậm rãi, "thiếu hào hùng". Thậm chí nghệ sĩ hài Công Vượng còn lên tiếng chê bai thậm tệ Mỹ Linhrằng: "Chị hát thối lắm!".
Nhận xét về tiết mục của nữ diva, họa sĩ Văn Thao - con trai nhạc sĩ Văn Caocho biết: "Quốc ca của Việt Nam có tính chất trang nghiêm và hùng tráng, khi cất tiếng hát Quốc ca là cất tiếng ca của dân tộc. Còn nói về sự thể nghiệm, thiếu gì cái thể nghiệm mà đi thể nghiệm Quốc ca? Theo tôi có nhiều sự thể nghiệm nhưng có những cái không nên thể nghiệm. Quốc ca cùng với lá cờ Tổ quốc là những giá trị thiêng liêng rồi, ngay cả từng câu từng chữ của bài Quốc ca không phải muốn sửa là sửa được chứ đừng nói thể hiện khác hay phá cách. Hơn 70 năm qua, mỗi lần Quốc ca cất lên là người nghe thấy được giai điệu hùng tráng của dân tộc. Những giai điệu hùng tráng đó là những giai điệu đi vào lịch sử, thay đổi giai điệu khác nào thay đổi lịch sử?".
Bình tĩnh trước nhiều lời khen chê trái chiều trên mạng xã hội về màn trình diễn trước Tổng thống Mĩ, nữ ca sĩ chia sẻ trên trang cá nhân của mình: "Đã qua rồi thời chiến tranh bom đạn nên tôi hát Quốc ca với thông điệp của thời bình, với tinh thần hàn gắn và chia sẻ yêu thương. Còn ai muốn bàn tán gì thì tuỳ. Đó là lựa chọn của tôi, hoà bình luôn tốt. Tôi không hát vì đám đông, mà hát bằng cả trái tim mình để đóng lại quá khứ, nhìn về tương lai. Và khi cất tiếng hát, tôi nhớ bố của mình tha thiết”.
Trấn Thành
Cũng ở nửa đầu năm 2016 vừa qua, việc nam diễn viên Trấn Thành "mạnh dạn" phá cách kịch bản cùng sự diễn xuất trong vở cải lương kinh điển Tô Ánh Nguyệt đã tạo ra "làn sóng" bức xúc dữ dội từ công chúng.
Nhiều nghệ sĩ lão thành cho rằng hành động của Trấn Thành đang "bôi bẩn" nghệ thuật cải lương chính thống. Người làm nghề và khán giả bày tỏ thái độ phẫn nộ trước sự xuyên tạc ngày càng phổ biến, làm méo mó, dị dạng những trích đoạn, nhân vật từng làm nên tên tuổi nghệ sĩ, được nhiều thế hệ người xem yêu thích.
"Tôi quá hãi hùng, không thể lí giải được vì sao người ta có thể đem những tác phẩm nổi tiếng ra để bôi bác, làm cho nó trở nên dị dạng đến mức đó. Đâu là chuẩn mực của một tác phẩm nghệ thuật? Đâu là ý thức, đạo đức và trách nhiệm của nghệ sĩ?" - NSƯT Ca Lê Hồng bộc bạch.
Sự cố này khiến Trấn Thành bị "ném đá" tơi bời từ công chúng vì họ cho rằng anh đã "phá nát" một tác phẩm kinh điển.
Không những thế, bạn trai Hari Won còn bị xử phạt hành chính với mức tiền đóng là 32 triệu đồng. Đồng thời anh cũng lên tiếng xin lỗi người hâm mộ và hứa sẽ luôn suy xét thật kĩ trước khi thể hiện các tác phẩm nổi tiếng.
Hồ Ngọc Hà
Trong lễ khai mạc Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 35 tổ chức tại Quảng Bình vào tháng 12/2015, nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà, quê gốc Quảng Bình được mời thể hiện ca khúc Quảng Bình quê ta ơi!.
Trong màn trình diễn bài hát này, Hồ Ngọc Hà đã gửi tới khán giả một phong cách biểu diễn mới.
Tuy nhiên sau khi phần thể hiện kết thúc, cư dân mạng ngay lập tức có những phản ứng trái chiều. Không ít người cho rằng bản phối mới cùng chất giọng khàn, yếu của Hồ Ngọc Hà hoàn toàn không phù hợp khi thể hiện một bài hát đầy tình cảm về quê hương, đất nước.
Một số khán giả đã viết trên mạng xã hội rằng: "Là dân Quảng Bình, đã từng tự nhủ: Bài hát đó là một trong những niềm tự hào ít ỏi của Quảng Bình. Không trách em Hà vô cảm thảm hoạ khi hát bài này mà trách anh nào chị nào dúi em ấy vô hát bài này!", hay như: "Mình là một người con Quảng Bình, khi gia đình cùng nghe bài hát được phối theo phong cách này ai cũng không thích. Thật sự, nó không phù hợp với một bài hát quê hương".
"Tôi nghe bài hát này đến cả ngàn lần rồi, mỗi lần nghe đều thấy thương, yêu và tự hào hơn về Quảng Bình. Nghe Hồ Ngọc Hà hát lần này tôi hết cảm giác ấy" - nghệ sĩ Phạm Mạnh Cường nhận xét. Tuy nhiên NSND Thu Hiền - người đã thể hiện rất thành công ca khúc này đã lên tiếng nói đỡ cho Hà Hồ: "Tôi đã xem qua phần thể hiện của Hồ Ngọc Hà và tôi thấy không có vấn đề gì để bàn cãi cả. Mỗi ca sĩ, mỗi dòng nhạc đều có khán giả của riêng mình".
Sau lần "tai bay vạ gió" ấy, có thể thấy "nữ hoàng giải trí" cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn bài hát thể hiện, nhất là những ca khúc gắn liền với quê hương, đất nước.
Quốc Trung
Ca khúc Đi Học là một trong những bài hát kinh điển gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ khán giả. Tác phẩm này được phổ nhạc bởi Bùi Đình Thảo, theo lời thơ của Hoàng Minh Chính.
Tại chương trình Giai Điệu Tự Hào phát sóng vào tháng 5/2014, nhạc sĩ Quốc Trung với vai trò giám đốc âm nhạc đã dàn dựng lại ca khúc này cho một thí sinh thể hiện. Tuy nhiên, tiết mục này bị các khách mời chê tới tấp vì cho rằng phần biểu diễn sai cả lời lẫn nhạc và chất giọng ca sĩ không phù hợp với bài hát.
PGS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái lên tiếng gay gắt: “Tôi cho là ca khúc này vừa hát sai mà lại vừa dựng sai. Với chất giọng đàn ông như thế làm lạc mất chủ đề và làm hỏng giai điệu của ca khúc. Đi học vốn rất êm đềm, chỉ cần một guitar gỗ nhỏ thôi với một cô gái nhỏ xinh hát bằng giọng soprano thì cực kì hay. Còn giọng ông đàn ông như thế không lên hết tinh thần âm nhạc của ca khúc mà có phần xúc phạm đến tai của người đã từng nghe ca khúc này”.
NSND Thanh Hoa cũng cho rằng: “Một tác giả sẽ rất đau khổ nếu như tác phẩm ấy chỉ được một ca sĩ hát xong rồi đóng đinh tại chỗ, không có sự tìm tòi sáng tạo. Nhưng muốn sáng tạo sao cũng được miễn là phải trân trọng tác phẩm đó tức là người hát nên đúng lời và đúng nhạc”.
Đáp lại lời phê bình, Quốc Trung mỉm cười giải thích: “Mọi người nghe ca khúc sẽ thấy lạ vì tôi đã đổi nhịp của ca khúc từ 2/4 sang nhịp 3/4. Là nhạc sĩ, tôi cảm nhận nhịp 3/4 mới đúng là nhịp của ca khúc. Là một người làm âm nhạc, tôi biết rõ phải tôn trọng nốt nhạc như thế nào. Tôi trân trọng tác phẩm đồng thời cũng muốn tiếp nối đời sống của ca khúc. Tôi không hướng tới các khán giả lão thành bởi vì các vị đã nghe bài hát ấy 40 năm rồi. Tôi muốn các khán giả trẻ cảm nhận và thích thú để ca khúc ấy tiếp tục tồn tại”. Tuy nhiên, chồng cũ diva Thanh Lam vẫn thẳng thắn nhận lỗi: “Nếu đấy là lỗi thì tôi sẽ xin lỗi nhạc sĩ và sẽ chịu những sai sót!”
Sau chương trình, Quốc Trung đã bộc bạch quan điểm của mình rằng: “Trong nghệ thuật cũng như trong đời sống không có cái gì gọi là một hình mẫu. Một tác phẩm nghệ thuật phải được dàn dựng, biểu diễn với rất nhiều các cách khác nhau. Không có một hình mẫu biểu diễn nào gọi là duy nhất cho một bài hát. Mọi người nói rất nhiều về chuyện thế hệ trước và thế hệ sau không có áp đặt thì hôm nay chính các vị đang rất mâu thuẫn”.
VietBF © Sưu Tầm