
Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến giữ nguyên hiện trạng sau sắp xếp, theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
52 địa phương còn lại, bao gồm cả 4 thành phố trực thuộc Trung ương (TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ), thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập.
Việc sắp xếp sẽ dựa trên các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, yếu tố lịch sử, văn hóa, tôn giáo, dân tộc, địa kinh tế, địa chính trị, quốc phòng và an ninh.
Tiêu chí về diện tích và dân số được xác định theo Nghị quyết 1211 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, tỉnh miền núi, vùng cao cần có diện tích từ 8.000 km2 và dân số từ 0,9 triệu người; các tỉnh còn lại phải đạt diện tích từ 5.000 km2 và dân số từ 1,4 triệu người. Đối với thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu là diện tích từ 1.500 km2 và dân số từ một triệu người.
Đồng thời, tất cả các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương đều phải có tối thiểu 9 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.
Các tỉnh, thành phố chưa đạt tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập, tuân thủ nguyên tắc tương đồng về lịch sử, văn hóa, dân tộc, đảm bảo gắn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa.
Vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông và không gian kinh tế phù hợp cũng là các yếu tố được xem xét.
Đối với cấp cơ sở, đơn vị cấp xã có diện tích hoặc dân số dưới 300% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập.
Xã sáp nhập với xã gọi là xã, xã sáp nhập với phường gọi là phường. Các địa phương chủ động chọn tên mới, nhưng được khuyến khích đặt theo tên đơn vị cấp huyện trước khi sắp xếp, kèm theo số thứ tự.
Bộ Nội vụ dự kiến có khoảng 9.996 trên tổng số 10.035 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp, sau khi sắp xếp sẽ còn lại dưới 3.000 đơn vị.
VietBF@sưu tập