Đã hơn 10 năm nay, người ta mới lại thấy một mùa nước nổi xuất hiện ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Lũ lớn bất ngờ đã gây thiệt hại nặng nề cho những tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp.
Cơn lũ lớn lịch sử năm 2000 đã gây nên những tổn thất nặng nề nhất từ trước đến nay ở miền Nam. Trong số gần 1.000 người bị thiệt mạng, 80% trong số đó được xác định là trẻ em.
10 năm sau, cơn lũ lịch sử lại tái hiện và số trẻ em thiệt mạng do nước lũ đến thời điểm này tuy đã giảm nhưng vẫn còn đó những nỗi đau mà các ngành chức năng, các gia đình vẫn chưa đúc rút hết được bài học kinh nghiệm.
Con số thiệt mạng năm nay ít hơn nhưng đến thời điểm này cũng đã có 30 trường hợp tử vong do lũ, trong đó phần lớn lại là trẻ em.
Ngay từ trước khi lũ về, nhiều tỉnh ở ĐBSCL đã tính đến phương án khởi động các điểm giữ trẻ trong mùa nước, được triển khai với sự tham gia của cả cộng đồng. Mùa lũ năm nay, mô hình điểm giữ trẻ mùa lũ đã được tất cả các địa phương ở khu vực ĐBSCL thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao.
Ở Đồng Tháp, mùa lũ này đã có tổng cộng trên 360 nhóm giữ trẻ cộng đồng, chủ yếu là ở huyện Tân Hồng, Hồng Ngự và Tam Nông. Tại An Giang, tỉnh đã tổ chức 44 điểm giữ trẻ cho người dân yên tâm mưu sinh trong mùa lũ...
Qua đợt lũ lớn năm nay, do nước lũ đặc biệt cao, các trường mẫu giáo mầm non chính qui tiếp tục nghỉ học trong thời gian dài. Nhiều phụ huynh đã gửi con em ở các nhóm trẻ cộng đồng, làm cho số lượng cháu tăng lên rất đông.
Thế nhưng, cứ tới mùa lũ là thông tin trẻ em chết đuối cứ xuất hiện dầy đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ở những vùng sông nước mùa lũ, chúng tôi vẫn bắt gặp cảnh trẻ con hàng ngày nghỉ học bì bõm bơi sông, đùa giỡn với nước lũ, hoặc người lớn do bận mưu sinh để trẻ con ở nhà tự chăm sóc bản thân….điều này khiến trẻ con vốn hiếu động gặp rất nhiều hiểm nguy.
Những hình ảnh đáng cảnh báo từ vùng rốn lũ:
Trong khi hàng ngàn ngôi nhà ở ĐBSCL chìm trong lũ...
Thì hình ảnh những đứa trẻ ở vùng "rốn lũ" được nghỉ học mải mê đùa nghịch với nước khiến những người chứng kiến luôn ám ảnh
Giang Uyên
Theo Bưu Điện Việt Nam