Trước ngày mở hội, trời bỗng nổi giông nhưng ngay ngày chính hội lại khô ráo khác thường.
Người dân thôn Thượng Gia (xã Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình) bao đời vẫn còn truyền nhau hiện tượng kỳ lạ về ngôi đền cứ trước ngày mở hội là trời mưa to gió lớn, song những ngày diễn ra hội lại khô ráo. Đó là ngôi đền Đồng Xâm nằm giữa thôn Thượng Gia.
Đền Đồng Xâm
Ông Nguyễn Ngận (73 tuổi, làm thủ từ ở đền từ hai chục năm nay) kể: "Chuyện mưa gió ngày khai hội được lưu truyền từ rất lâu. Không năm nào là hội không có mưa. Hội đền diễn ra từ 1/4 - 3/4 âm lịch, thường sẽ mưa trước đó một ngày. Mưa to lắm, gió bấc thổi ầm ầm. Hôm sau, trời quang mây tạnh, khô ráo khác thường. Đến khi hết hội cũng mưa gió nhưng nhẹ hơn. Người ta cho rằng, trước hội mưa là điềm lành. Trong hội có hàng nghìn người từ các nơi đổ về tế lễ, gây bụi bặm. Vì thế, giã hội trời đổ mưa để rửa sạch những bụi bặm ấy".
Ông Ngận phỏng đoán, ngôi đền có thể có từ hàng trăm năm trước, còn cụ thể năm nào thì cả 7 đời trong dòng họ ông không ai biết. Với người dân trong vùng, ngôi đền ấy rất linh thiêng. Người dân vẫn truyền nhau câu chuyện về có một ông cưỡi ngựa đi qua cửa đền, con ngựa như bị ai kìm chân, nhảy dựng lên, không tiến thêm bước nào. Sau, ông mới biết đó là vì đi qua cửa đền mà không xuống ngựa. Khi quay ra, ông dắt ngựa thì nó ngoan ngoãn bước theo?
Nói về hiện tượng đền năm nào cũng nổi giông trước hội, ông Tạ Quang Thảnh, phó chủ tịch UBND xã Hồng Thái xác nhận: "Tôi là người gốc trong xã, sống cũng ngót 60 tuổi rồi. Đúng là có chuyện mỗi khi mở hội đền Đồng Xâm là trời đổ mưa, thậm chí cũng thường có mưa cả sau ngày tan hội. Hồi trước, dân trong xã thường đợi đến cuối tháng ba âm lịch là lại lắng bể nước để "đón mưa hội Đồng Xâm". Mưa ngày đó thường lớn lắm. Tôi cũng chưa nghe ai lý giải vì sao, chỉ biết rằng theo quan niệm đó là điều may mắn".
Có nhiều hiện tượng mưa gió tương tự
Cư sĩ Lương Gia Tĩnh (viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam) cho rằng: "Thực tế đã có những hiện tượng mưa gió tương tự. Ví như, trước hội đền Hùng (vào ngày 9/3) hay trước ngày Phật Đản (7/4) thường có mưa. Lâu dần, người ta thần thánh hóa sự việc đó lên để tăng thêm sự linh thiêng cho ngôi đền, chùa, lễ hội ấy, coi việc có mưa là mang lại điềm may mắn. Cái đó không có ai kiểm chứng, chỉ là kinh nghiệm dân gian mà thôi".
BTV (tổng hợp)